Tăng giá trị cho na từ thương hiệu
LSO-Mặc dù đã có chỉ dẫn địa lý, thế nhưng na Chi Lăng vẫn được bán “mộc” với mức giá không cao. Để tăng giá trị cho quả na, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư thương hiệu, dù chỉ là bước đầu nhưng đây cũng là hướng đi để củng cố dần vị thế của quả na trên thị trường.
Mua bán na tại thị trấn Chi Lăng |
Chị Phạm Thị Xuân, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng vừa đóng na cho khách vừa hồ hởi trò chuyện với chúng tôi: “Năm nay gia đình tôi quyết định đầu tư bao bì và keo dán băng na có thương hiệu, vì thế na bán chạy hơn nhiều, giá cũng tốt hơn. Qua số điện thoại in trên thùng na, nhiều khách hàng ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng đã điện đặt hàng. Như vậy đầu tư thương hiệu ban đầu của tôi đã có hiệu quả”. Chị Xuân đã thuê nhà đặt điểm thu mua na bán 4 năm nay, gia đình chị ở ngay thị trấn Đồng Bành nên được nhiều khách hàng ở mọi nơi chọn làm điểm giao dịch. Qua nhiều năm thu mua na rồi bán cho khách, chị nghĩ, quả na toàn bán thô, chẳng có địa chỉ, thương hiệu nên giá cả cũng bấp bênh vì không có gì đảm bảo. Muốn bán na tốt giá hơn, đảm bảo hơn, coi đó như một lời cam kết với khách hàng thì phải có thương hiệu. Nghĩ là làm, chị dò hỏi qua bạn bè và chị đã đặt in băng keo dán thùng na.
Băng keo chỉ là cuộn băng dính màu, có in hình ảnh quả na Chi Lăng và dòng chữ: “Na đặc sản Chi Lăng” kèm theo số điện thoại địa chỉ của chị. Chỉ có vậy mà khách mua đông hẳn lên. Chị cho biết, so với mọi năm chị bán được gấp đôi. Cũng vì có thương hiệu, địa chỉ nên khi mua gom chị phải chọn kỹ từng quả na. Khi đóng thùng gửi đi chị đều được khách hàng phản hồi qua điện thoại và khen hàng tốt. Nhiều người không rành na Chi Lăng dặn chị: “Cứ lấy loại na có băng keo xanh xanh là được”. Nhận những cú điện thoại như thế chị rất vui rồi lại chọn kỹ na, dán băng keo xanh cho họ.
Theo ông Nguyễn Xuân Nhiên, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Lăng, hiện toàn chợ na Chi Lăng còn rất thiếu thương hiệu riêng. Vì vậy sau khi người dân mang na ra chợ toàn bán thô, na nhiều vùng lân cận cũng đổ về khiến khách lạ không phân biệt đâu là na đặc sản vùng núi đá. Cách làm thương hiệu như chị Xuân còn rất ít nhưng đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Theo chị Xuân, một cuộn băng keo có in số điện thoại, hình ảnh chị đặt có giá 10 nghìn đồng, thế nhưng cái lợi mang lại thì lớn hơn rất nhiều. Thứ nhất nhiều người biết để điện thoại đặt hàng, thứ nữa khách đến mua họ thấy bao bì đóng gói có tem nhãn hẳn hoi nên họ yên tâm. Ngay khi chúng tôi có mặt tại nơi bán hàng của chị Xuân, một tốp khách Trung Quốc xuống xe mua hàng, nhìn quanh chợ họ sà ngay vào hàng có những bao bì đóng sẵn vuông vắn có dán băng thương hiệu. Anh Hoàng Văn Lương, phiên dịch của đoàn khách cho biết, khách phía Bắc Trung Quốc họ rất cẩn thận, chú ý an toàn thực phẩm, khi nhìn thấy hàng hóa có đai có kiện họ mới mua. Rồi anh chứng minh, dù hàng bên cạnh có rẻ hơn, chất lượng quả cũng vậy nhưng họ không mua. Anh kết luận: “không bao bì nhãn mác mà thuyết phục được họ mua là rất khó”.
Trên thế giới đã từng có rất nhiều cách làm thương hiệu, cùng một loại sản phẩm nhưng họ có nhãn mác riêng, đặc trưng riêng để thu hút khách hàng. Rượu bordeax có tới 9.000 thương hiệu nhưng thương hiệu Marquis được cả thế giới ưa chuộng. Nước nắm Phú Quốc được coi là nước mắm hàng đầu Việt Nam nhưng hãng Hưng Thịnh là thương hiệu uy tín và được khách hàng tin dùng nhất. Bánh cáy Thái Bình rất nhiều nhưng thương hiệu Làng Nguyễn vẫn là nổi tiếng nhất. Lẽ dĩ nhiên để có thương hiệu ấy họ phải lao tâm, lựa chọn những sản phẩm, nghiên cứu để ra sản phẩm tốt nhất. Na cũng vậy, muốn có thương hiệu người bán phải lựa chọn sản phẩm tốt nhất, tạo dựng thương hiệu và chữ tín với khách hàng. Khi đã thành thương hiệu thì chắc sản phẩm đó sẽ không khó khâu tiêu thụ. Với trái na Chi Lăng, đã có chỉ dẫn địa lý, có các hội thi, được lựa chọn là quả an toàn, nó dư sức để làm thương hiệu. Chỉ tiếc rằng còn quá ít thương hiệu cho na.
NHẬT ANH
Ý kiến ()