Tăng đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả nông nghiệp Việt Nam
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cần có một diễn đàn kết nối chuyên gia tham gia chia sẻ thông tin, sáng kiến và xây dựng kế hoạch hành động để hỗ trợ nông nghiệp Việt tiếp cận với nhiều công nghệ mới.
Ngày 8/5, hội thảo quốc tế về nông nghiệp hiệu quả cao tại Việt Nam năm 2022 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành và nhiều đại diện các bộ, ngành, cơ quan thuộc chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ, cùng các đại diện, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dựa trên nội dung của Chiến lược, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi ngành nông nghiệp nước nhà cần hòa nhịp và tích hợp giá trị cách mạng 4.0 bằng nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp thông minh.
Bộ trưởng nói trong thời đại số hiện nay có nhiều kênh giao lưu giúp làm giàu trí tuệ và tạo chiến lược giúp người nông dân, nông thôn tiếp cận xu thế toàn cầu, trong đó có việc tri thức hóa, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp và tiếp cận giá trị mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh nguồn lực hữu hình, cách tiếp cận cần đặc biệt quan tâm tới là xây dựng nguồn lực vô hình: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là nguồn lực thiết thực trong bối cảnh của Việt Nam là cơ sở để chuyển hóa sáng kiến, hiện thực hóa chiến lược nông nghiệp nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cần có một diễn đàn để kết nối các chuyên gia tham gia chia sẻ thông tin, sáng kiến và xây dựng kế hoạch hành động để giải quyết các vấn đề mà nông nghiệp Việt Nam còn gặp phải, hỗ trợ nền nông nghiệp Việt Nam chuyển động nhanh hơn và tiếp cận với nhiều công nghệ mới hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các hoạt động kết nối cụ thể, thực chất giữa chuyên gia-nhà quản lý và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự liên kết hợp tác, chia sẻ kiến thức, mở rộng cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh.
Thứ trưởng khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động thúc đẩy các hoạt động kết nối thông qua Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) tại nhiều nước trên thế giới nhằm tạo diễn đàn trao đổi về thực tiễn phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các hoạt động nông nghiệp của các nước tiên tiến. Đây là nguồn kiến thức hết sức giá trị và thực tiễn cho các doanh nghiệp, cá nhân và cả nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi cần tăng cường hơn nữa sự tham gia góp ý từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng nông sản Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành chia sẻ trong những năm gần đây, Australia đã ban hành chính sách hiện đại hóa nền nông nghiệp quốc gia, nhằm hướng tới mục tiêu đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới vào năm 2030. Với lĩnh vực nông nghiệp, Australia rất ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đặt ra mục tiêu 1 AUD đầu tư vào R&D sẽ đem lại lợi nhuận cho người nông dân là 12 AUD trong vòng 10 năm tới.
Đại sứ nhận định Việt Nam và Australia luôn có sự gắn kết và hợp tác nông nghiệp rất hiệu quả. Đại sứ tin tưởng với mối quan hệ ngày càng chặt chẽ, bao trùm trên nhiều phương diện, cả về chính trị-kinh tế-xã hội, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có thể học hỏi và tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ từ Australia, để phát triển một nền nông nghiệp công nghiệp cao hiệu quả trong tương lai.
Tham gia phiên thảo luận chuyên sâu của hội thảo, Giáo sư-Tiến sỹ Henry Nguyen, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học tại Đại học Công nghệ Texas và Trung tâm Công nghệ Sinh học Đậu nành Quốc gia tại Đại học Missouri, cho biết nếu như trước đây các chính phủ thường tập trung vào vấn đề an ninh thực phẩm, sản lượng, tăng năng suất, thì hiện nay chất lượng đã trở thành vấn đề quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Giáo sư dẫn chứng ở quốc gia có sự phát triển nông nghiệp hàng đầu thế giới như Mỹ, việc tạo giống cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt luôn được chú trọng. Về công nghệ chỉnh sửa gene, cho rằng chỉ cần một thay đổi kết cấu DNA chuyển hóa đặc thù giúp tăng trưởng năng suất, có thể làm một cách rất nhanh mà không cần chuyển đổi dòng này sang dòng khác.
Theo Giáo sư-Tiến sỹ Henry Nguyen, chỉ trong vòng 5-10 năm tới, thế giới sẽ được hưởng lợi từ tri thức trong tương lai khi giống thay đổi hữu hiệu. Việc sử dụng công nghệ mới sẽ giúp làm rất nhanh, như sử dụng bigdata, deep learning giúp chọn dòng bố mẹ tốt, các loại drone đánh giá cây con và công nghệ phòng lab tạo giống tốt giúp chuyển lựa gene.
Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Minh Châu – Nguyên viện trưởng viện rau củ quả miền Nam trình bày về chủ đề Hiện trạng trồng bơ ở Việt Nam và các đề xuất cải tiến. Giáo sư phân tích bơ là một trong những loại cây trồng thương mại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân Việt Nam.
Theo Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Minh Châu, cách trồng bơ của Việt Nam hiện cần một số cải tiến kỹ thuật mới như trồng không chạm đất, kỹ thuật ghép cây cho cây giống để đảm bảo cây không nhiễm bệnh. Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Minh Châu khẳng định nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư đúng cách, theo hệ thống công nghệ mới, quả bơ Việt Nam sẽ đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với thực tế hiện nay.
Một số chuyên gia và đại diện doanh nghiệp khác cũng đã tham gia chia sẻ và giới thiệu các đề án nghiên cứu khoa học tiên tiến về lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao tại các phiên của hội thảo. Dự kiến sau chương trình làm việc của ngày 8/5, hội thảo sẽ tiếp tục với một số phiên thảo luận chuyên sâu khác vào ngày 22/5 tới.
Hội thảo quốc tế về nông nghiệp hiệu quả cao năm 2022 nằm trong chuỗi chương trình Hội thảo quốc tế về Nông nghiệp thông minh 2021-2022 do Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam-Australia (NIC AU), dưới sự bảo trợ của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), phối hợp cùng các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo tại châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Đức thực hiện.
Hội thảo nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp của các quốc gia phát triển tới các doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ các địa phương ở Việt Nam tìm ra các giải pháp nâng cao năng suất cây trồng phục vụ xuất khẩu./.
Ý kiến ()