Tăng cường xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc và địa phương của Đức
Hội thảo xúc tiến đầu tư chủ đề “Cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam,” được tổ chức tại Postdam, Đức, nhằm giới thiệu và quảng bá tiềm năng đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong khuôn khổ thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam và Đức, ngày 28/8, đoàn công tác của tỉnh Vĩnh Phúc do bà Hoàng Thị Thúy Lan – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu, đã có các hoạt động xúc tiến đầu tư tại bang Brandenburg, Cộng hòa Liên bang Đức.
Tại thành phố Postdam, bang Brandenburg, đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, đại diện chính quyền bang Brandenburg và các doanh nghiệp Đức tổ chức buổi Hội thảo xúc tiến đầu tư chủ đề “Cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam,” nhằm giới thiệu và quảng bá tiềm năng đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc, qua đó kêu gọi và tìm kiếm các nhà danh nghiệp Đức đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc trong các lĩnh vực cơ khí ôtô, công nghệ điện tử, công nghiệp hỗ trợ của ngành cơ khí ôtô, điện tử, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế, xử lý môi trường, thành phố thông minh.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ khẳng định Việt Nam được đánh giá cao về sự ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; thể chế luật pháp và sự minh bạch không ngừng được cải thiện, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm hoạt động lâu dài, phát triển, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu một cách thuận lợi.
Thị trường Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng đối với các doanh nghiệp Đức. Sau 12 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam hiện nằm trong nhóm các nước có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có những FTA thế hệ mới, chất lượng cao.
Hai hiệp định quan trọng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam là EVFTA và EVIPA vừa được ký kết vào tháng 6/2019 sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp EU nói chung và Đức nói riêng.
Đại sứ nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Đức thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực. tiềm năng hợp tác rất to lớn trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp cơ khí, đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa ngành nông nghiệp, công nghệ chế biến, phân phối; đào tạo nguồn nhân lực, lao động, hợp tác về du lịch, giao lưu văn hóa…
Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc đang hết sức nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch để thu hút ngày càng nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.
Về phần mình, bà Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – đã giới thiệu tới Hội thảo những tiềm năng hợp tác phát triển của tỉnh nhà.
Với lợi thế về vị trí địa lý, liền kề với thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng Phát triển Kinh tế Thủ đô, tiếp giáp với sân bay quốc tế Nội Bài, đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy tỏa đi khắp đất nước, Vĩnh Phúc có những điều kiện rất thuận lợi về vị trí địa kinh tế và định hướng phát triển đúng đắn. Vĩnh Phúc đã phát triển từ một nền kinh tế trước đây là nông nghiệp thành một tỉnh công nghiệp với tỷ trọng 90% là công nghiệp và dịch vụ.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh Vĩnh Phúc đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đến hết tháng 6/2019, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.095 dự án đầu tư, trong đó 357 dự án FDI đến từ 17 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 4,7 tỷ USD.
Hiện Đức có một dự án, trị giá 250.000 USD đang đầu tư tại tỉnh. Ngoài ra, có nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn đã đầu tư tại Vĩnh Phúc như Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản), Piaggio (Italy), De Heus (Hà Lan), Daewoo, Patron Vina, Heasung Vina, Interflex, Bangjoo, Cammsys (Hàn Quốc), Prime Group (Thái Lan), Weldex (Hoa Kỳ)…
Với những lợi thế và tiềm năng có được, tỉnh Vĩnh Phúc muốn thúc đẩy xúc tiến và kêu gọi các doanh nghiệp của Đức nói chung, bang Brandenburg nói riêng nghiên cứu, đầu tư trên các lĩnh vực phát triển công nghiệp, các lĩnh vực cơ khí sản xuất, lắp ráp ôtô , xe máy, công nghiệp điện tử; phát triển đô thị và dịch vụ theo hướng hiện đại, văn minh; phát triển nông nghiệp đối với các dự án sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao như chăn nuôi, trồng rau, hoa, cây ăn quả và cơ sở hạ tầng, sản xuất, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và sinh hoạt; đào tạo nghề, điều dưỡng…
Phát biểu tại Hội thảo, Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp (IHK) Postdam ghi nhận nhiều điều kiện phát triển hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Đức nói chung, Việt Nam với bang Brandenburg nói riêng.
Thời gian qua, trao đổi thương mại giữa bang Brandenburg và Việt Nam ngày càng tăng, trong đó, Brandenburg xuất khẩu sang Việt Nam máy móc, thiết bị y tế, hóa chất và dược phẩm; ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Brandenburg các mặt hàng linh kiện điện tử, giày dép và may mặc.
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, phía bạn chia sẻ về những điểm thuận lợi tương đồng giữa tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Postdam, đều nằm ở những vị trí thuận lợi, gần thủ đô, sân bay quốc tế lớn, có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, hợp tác giữa Vĩnh Phúc và Brandenburg thời gian vừa qua chưa xứng tầm với tiềm năng phát triển đó.
Với những lợi thế và điểm tương đồng, Đại diện IHK Postdam đánh giá cao tiềm năng hợp tác, phát triển trong thời gian tới trên các lĩnh vực như công nghiệp ôtô, lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ cải thiện môi trường, đào tạo dạy nghề…
Trong ngày, đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi chào xã giao lãnh đạo bang Brandenburg và làm việc với tập đoàn Siemens của Đức./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()