Tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn dịp cao điểm cuối năm
(LSO) – Thời điểm trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân là quãng thời gian diễn ra các hoạt động tổng kết, liên hoan, tất niên…, việc sử dụng rượu, bia trong các buổi liên hoan, gặp gỡ là điều khó tránh khỏi. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời điểm này, lực lượng chức năng đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp, đặc biệt là tăng cường xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn (NĐC) khi tham gia giao thông.
Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã xử lý gần 4.000 trường hợp vi phạm NĐC. Các trường hợp vi phạm tập trung chủ yếu vào dịp tết, lễ hội đầu năm và bắt đầu có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm này.
Cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe mô tô trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết những trường hợp bị xử phạt đều đưa ra lý do để biện minh cho hành vi vi phạm của mình đó là: chỉ uống có 1 lon bia hay 1 chén rượu nên không nghĩ là sẽ bị phạt… Đơn cử như trường hợp anh Hoàng Văn Thuận, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn. Anh Thuận cho biết: Cách đây vài ngày, tôi về quê ăn giỗ, trong bữa cơm có sử dụng vài chén rượu, tôi nghĩ có uống vài chén không ảnh hưởng gì và vẫn điều khiển xe máy khi tham gia giao thông. Khi bị lực lượng CSGT kiểm tra, phát hiện NĐC trong hơi thở của tôi vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở. Tôi đã bị lập biên bản, phạt 4 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, đồng thời, được lực lượng CSGT tuyên truyền về các quy định khi tham gia giao thông. Đây là bài học đáng nhớ đối với tôi.
Thời điểm cuối năm thường có nhiều hoạt động tổng kết, tất niên, cưới hỏi, liên hoan… Chính vì vậy, việc tuyên truyền, quán triệt không vi phạm NĐC khi tham gia giao thông được các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng tích cực triển khai đến người dân, cán bộ, công chức, viên chức.
Anh Hoàng Văn Hiếu, cán bộ công tác tại Ủy Ban Kiểm tra Huyện ủy Bình Gia cho biết: Vào thời điểm cuối năm, các cơ quan, đơn vị, phòng ban thường tổ chức liên hoan, tất niên… vì vậy việc uống chút rượu, bia là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong mỗi cuộc họp, chúng tôi luôn được lãnh đạo cơ quan nhắc nhở khi đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ngoài việc bị lực lượng chức năng xử phạt, khi về cơ quan sẽ có hình thức kỷ luật khác. Do đó, khi tham gia các bữa tiệc tôi luôn chọn đi phương tiện công cộng như taxi hoặc nhờ người thân đưa đón.
Để ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm NĐC, lực lượng chức năng đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp. Thượng tá Dương Văn Toàn, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Nhằm tăng cường xử lý vi phạm về NĐC, phòng chỉ đạo Đội CSGT đường bộ và Trạm Kiểm soát giao thông Tùng Diễn huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn phức tạp về trật tự ATGT như các tuyến quốc lộ: 1A, 1B, 4A, 4B, thành phố, thị trấn, tập trung thời gian từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, nhất là các ngày thứ 7, chủ nhật, dịp nghỉ tết và những ngày diễn ra các lễ hội…
Để nâng cao hiệu quả tuần tra kiểm soát, các đội, trạm tăng cường phương thức tuần tra cơ động, chú trọng kiểm tra đối tượng lái xe khách, xe mô tô là thanh, thiếu niên; làm tốt công tác nắm tình hình, địa điểm, thời gian người điều khiển phương tiện thường sử dụng rượu, bia, thanh thiếu niên tụ tập ăn, uống đêm khuya… để phối hợp với công an, chính quyền cơ sở có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, thì bản thân mỗi người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia. Cùng đó, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về vi phạm NĐC để từ đó từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe”… Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Ý kiến ()