Tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn
LSO-Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Tuy nhiên, tình trạng lái xe điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia còn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Trong thời gian tới, công tác phát hiện, xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ được thắt chặt nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của lái xe.
Cảnh sát Giao thông Công an huyện Lộc Bình kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe |
Trong tháng 4/2016, tại hồ Lao Ly, khu đô thị Phú Lộc 4, thành phố Lạng Sơn, một chiếc ô tô lao xuống hồ khiến 4 người tử vong. Qua điều tra, phân tích, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh khẳng định: lái xe điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia, khi đi đến đoạn đường cua đã không làm chủ được tốc độ dẫn đến tai nạn.
Lái xe sau khi sử dụng rượu bia sẽ không làm chủ được tay lái, điều này ai cũng biết song vẫn cố tình vi phạm. Nhiều lần theo chân các tổ công tác của CSGT Công an thành phố Lạng Sơn, Phòng CSGT Công an tỉnh, chúng tôi chứng kiến không ít lái xe điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn, khi bị phát hiện còn có hành vi lăng mạ, chống đối lực lượng thi hành công vụ, không thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Đại úy Hoàng Trọng Lịch, cán bộ Đội Tuần tra kiểm soát giao thông số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn diễn ra phổ biến. Thời gian qua, chúng tôi xử lý nhiều trường hợp không chỉ vi phạm nồng độ cồn mà còn có hành vi chống đối, lăng mạ người thi hành công vụ. Cá biệt, đã có vụ, chúng tôi xử lý người vi phạm với mức phạt 22 triệu đồng.
Đại tá Nguyễn Minh Thanh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, CSGT toàn tỉnh phát hiện 3.200 lượt lái xe vi phạm về nồng độ cồn, tăng 1.200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, địa bàn có số người vi phạm cao như: Hữu Lũng, Chi Lăng (trên 400 trường hợp). Toàn tỉnh xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông, trong đó, liên quan đến nồng độ cồn có 6 vụ, làm chết 10 người.
Từ ngày 1/8/2016, theo Nghị định 46/2016, mức xử phạt đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn cao nhất lên đến 18 triệu đồng. Mặc dù mức xử phạt đã cao, công tác tuyên truyền, giáo dục được tăng cường song sự chuyển biến trong nhận thức của lái xe còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, từ nay đến cuối năm, lực lượng CSGT toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Đẩy mạnh tuyên truyền, Phòng CSGT đã lắp đặt thêm 50 pa nô tuyên truyền trên các tuyến đường trọng điểm. Cùng đó, riêng trong tháng 7 và tháng 8, trong quá trình tuần tra kiểm soát, CSGT đã lồng ghép tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông do lái xe lạm dụng rượu, bia; tuyên truyền các quy định xử phạt về nồng độ cồn cho hơn 10.000 lượt lái xe. Qua đó, lái xe đã nắm được các quy định mới và bước đầu có chuyển biến trong nhận thức. Anh Trần Văn Thắng, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan cho biết: Để giữ an toàn cho bản thân cũng như những người khác khi đang lưu thông trên đường, tôi luôn tự nhủ không lái xe khi đã uống rượu bia.
Song song với tuyên truyền, công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm được chú trọng. Theo đó, lực lượng CSGT sẽ tổ chức các tổ công tác tuần lưu 24/24 giờ, chú trọng kiểm tra lái xe trong khoảng thời gian sau giờ ăn tối từ 18 đến 23 giờ. Đây là thời điểm lái xe thường sử dụng rượu, bia. Tuyến, địa bàn tập trung kiểm soát, xử lý vi phạm là thành phố Lạng Sơn, quốc lộ 1A… Thiết bị đo nồng độ cồn đến nay đã được trang bị đến tất cả các tổ, đội CSGT trên địa bàn tỉnh, qua đó, công tác kiểm tra được triển khai thường xuyên, liên tục. Công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm thường xuyên được triển khai cùng mức phạt tăng cao sẽ góp phần chấn chỉnh ý thức chấp hành của lái xe, từ đó từng bước tạo môi trường giao thông an toàn.
THỤC QUYÊN
Ý kiến ()