Tăng cường xử lý rác thải y tế
LSO-Rác thải y tế được xếp trong nhóm chất thải nguy hại. Hiểu rõ điều này, ngành y tế đã không ngừng đẩy mạnh công tác quản lý, trong đó đặc biệt chú trọng khâu xử lý, đầu tư công nghệ mới để góp phần bảo vệ môi trường.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc xử lý rác thải y tế |
Toàn tỉnh hiện có 277 cơ sở y tế với hơn 2.800 giường bệnh. Theo tính toán, trung bình mỗi ngày các cơ sở này thải ra môi trường khoảng 2.000 kg rác thải rắn, trong đó có gần 335 kg rác thải rắn y tế nguy hại. Đến nay, hầu hết các đơn vị khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện đã được trang bị hệ thống lò đốt rác đạt tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với các đơn vị y tế còn lại như phòng khám đa khoa khu vực hay trạm y tế đều được trang bị những dụng cụ lưu trữ tạm thời trước khi chuyển đến các cơ sở có lò đốt gần nhất để xử lý. Hầu hết các đơn vị đều xử lý rác thải đúng theo quy định.
Là cơ sở y tế lớn của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 635 giường bệnh với khoảng 150 kg rác thải y tế mỗi ngày, gồm: bông băng, gạc, bơm tiêm nhựa, bộ phận cắt bỏ trong phẫu thuật… Nếu không được thu gom, xử lý triệt để sẽ là mầm mống gây dịch bệnh và làm ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, công tác quản lý, xử lý rác thải được bệnh viện chú trọng triển khai thực hiện. Bệnh viện ban hành nhiều quy định và tập huấn, hướng dẫn cán bộ nhân viên thu gom, phân loại và xử lý rác thải y tế theo đúng quy định; bố trí các thùng rác với màu sắc khác nhau tại các khoa, phòng, buồng bệnh để phân biệt giữa rác thải sinh hoạt và rác thải y tế. Khi được thu gom đến điểm tập kết chung của bệnh viện, rác sẽ được phân loại lần 2. Rác thải sinh hoạt được bệnh viện hợp đồng với các công ty môi trường đến thu gom xử lý, còn rác thải y tế được xử lý tại lò đốt rác. Ông Phan Thanh Huy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Vì liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện và môi trường sống của cộng đồng nên công tác xử lý chất thải y tế luôn được bệnh viện quan tâm thực hiện tốt, từ khâu phân loại ban đầu đến việc tiêu hủy bằng lò đốt nhiệt độ cao. Qua giám sát của các cơ quan chuyên môn, mẫu nước thải của bệnh viện đều đạt yêu cầu, đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường.
Cũng như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện khác cũng đã được đầu tư lò đốt chất thải rắn y tế và phát huy hiệu quả tích cực trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường. Ông Triệu Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Xử lý rác thải luôn là một nhiệm vụ rất quan trọng của ngành. Trong những năm qua, ngành y tế thường xuyên tập huấn, nâng cao nhận thức của cán bộ ngành y, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ sở y tế theo định kỳ, đột xuất. Kết quả cho thấy, phần lớn các đơn vị đã tuân thủ các quy định, quy trình xử lý rác thải y tế theo đúng quy định.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số lò đốt đã bị hỏng, xuống cấp hoặc đang ngừng hoạt động. Được sự quan tâm của Nhà nước, cuối năm 2016, ngành y tế đã tiếp nhận vốn sự nghiệp môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế cho 4 bệnh viện tuyến tỉnh và 10 bệnh viện tuyến huyện với tổng vốn đầu tư 76 tỷ đồng. Các nhà thầu hiện đang tiến hành thi công, hoàn thiện, xây lắp các hạng mục sau đó sẽ lắp đặt các thiết bị mới – công nghệ làm lạnh thân thiện với môi trường.
Được khởi công từ trung tuần tháng 2/2017, đến nay, hệ thống xử lý chất thải của Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc đang trong giai đoạn hoàn thiện phần hạ tầng. Ông Chu Đình Quế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay hệ thống điều khiển lò đốt rác thải của bệnh viện đã hỏng. Chúng tôi đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để xử lý. Nay được đầu tư hệ thống hấp sấy, tiệt trùng theo quy chuẩn (dự kiến sẽ được hoàn thiện vào cuối quý 2 năm 2017), tin rằng việc xử lý rác thải của trung tâm sẽ thuận lợi hơn.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, tin tưởng và hy vọng rằng, hình thức xử lý rác thải tập trung bằng công nghệ không đốt sẽ giải quyết triệt để những khó khăn, bất cập trong công tác xử lý rác thải y tế ở thời điểm hiện tại, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường cho cộng đồng.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()