Tăng cường xử lý điểm đen tai nạn giao thông
LSO-Điểm đen tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh hầu hết là những đoạn cua gấp, đồi dốc khiến lái xe không kịp xử lý dẫn đến tai nạn, va chạm.
Các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 4B qua địa phận xã Xuân Mãn, Lộc Bình |
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, toàn tỉnh có 42 vị trí điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, trong đó, trên các tuyến quốc lộ có 30 vị trí, tuyến tỉnh lộ có 20 vị trí. Qua nghiên cứu hiện trường các vụ tai nạn xảy ra tại những vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn thì nguyên nhân chủ quan dẫn đến tai nạn là người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường quy định, không tuân thủ tốc độ.
Bên cạnh đó, một phần cũng do yếu tố kỹ thuật của đường như các vị trí đường cong do địa hình khó khăn nên khi thiết kế, thi công phải sử dụng bán kính đường cong nhỏ hơn bán kính thông thường. Chính vì vậy, khi điều khiển phương tiện qua những đoạn cua này, việc quan sát của lái xe bị hạn chế, nếu có người, phương tiện lưu thông ngược chiều lái xe dễ bị bất ngờ, không làm chủ được tay lái dẫn đến tai nạn.
Ông Trần Văn Vương, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng và An toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải cho hay: Qua rà soát, từ năm 2011 đến nay, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất Tổng Cục đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh cho phép khắc phục, cải tạo các vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Qua đó, toàn tỉnh đã khắc phục, xử lý được 18 vị trí, trong đó, 12 vị trí trên quốc lộ, 5 vị trí thuộc đường nội thị. Riêng năm 2013, xử lý 9 vị trí, trong năm 2014 đã xử lý 1 vị trí. Đối với những vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, mất trật tự an toàn giao thông do bán kính đường cong nhỏ hẹp, khuất tầm nhìn, độ dốc dọc lớn, sở đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tiến hành cải tạo, mở rộng đường cong, hạ độ dốc và cải thiện tầm nhìn, cắm biển báo, cảnh báo, sơn các cụm vạch giảm tốc trước đường cong, lắp đặt gương cầu lồi để lái xe dễ quan sát và chấp hành các quy định.
Đối với những điểm xảy ra tai nạn giao thông do giao cắt đường bộ trong nội thị, thành phố đã đầu tư hệ thống đảo phân luồng xe chạy, lắp đặt đèn tín hiệu để điều tiết giao thông, sơn các cụm vạch giảm tốc trước ngã ba, ngã tư. Song song với việc đầu tư, cải tạo các điểm đen, các vị trí mất an toàn giao thông, sở còn phối hợp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho đội ngũ lái xe cơ giới, người điều khiển xe gắn máy về biển báo hiệu đường bộ, nhất là khi đi qua các điểm giao cắt. Phối hợp với tổ chức đoàn thể, khu dân cư tại địa bàn có điểm đen, điểm tiềm ẩn tăng cường tuyên truyền, tổ chức ký cam kết cho các hộ không phơi nông sản, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ.
Từ khi triển khai kế hoạch đến nay, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các lực lượng chức năng lắp đặt 3 cụm đèn tín hiệu giao thông tại các ngã tư: nút giao thông đường Bà Triệu – Phai Vệ, nút giao Phai Trần (thành phố Lạng Sơn); nút giao đường tỉnh 242 với quốc lộ 1A. Các nút giao thông này đã được bổ sung, lắp đặt 10 gương cầu lồi, 150m hộ lan mềm và điều chỉnh, bổ sung hơn 300 biển báo. Trong năm 2014, Sở Giao thông Vận tải đã kiểm tra, khảo sát hiện trường tại km 10 300, đường tỉnh 236 trên địa bàn huyện Lộc Bình. Qua đó, đã bổ sung 8 biển báo nhiều chỗ ngoặt, thường xuyên có trẻ em, tốc độ tối đa cho phép.
Anh Nông Văn Cao, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập cho biết: đoạn đường cua hẹp lại dốc nên với những lái xe không quen đường rất dễ xảy ra tai nạn, hơn nữa khu vực này lại thường xuyên có trẻ em lưu thông lái xe dễ bị bất ngờ và không kịp xử lý. Từ khi bổ sung các biển báo, chúng tôi đi lại cũng yên tâm hơn vì qua biển báo lái xe sẽ biết trước đoạn đường phía trước và chú ý quan sát hơn.
Sau khi khắc phục các vị trí điểm đen, tình hình tai nạn giao thông tại nhiều vị trí đã giảm đáng kể, một số vị trí vẫn xảy ra va chạm nhưng không thiệt hại về người và phương tiện. Ông Vương cho biết thêm: trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Cảnh sát giao thông, UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá các vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông, các vị trí tiềm ẩn để xây dựng kế hoạch và đề nghị cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí để xử lý, trước mắt ưu tiên những điểm xảy ra tai nạn chết người. Thường xuyên tổ chức bảo dưỡng, điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn, chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm gây mất an toàn giao thông.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()