Tăng cường xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học
Những năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp và nguồn lực để bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) nhằm hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, là nước đang phát triển, nguồn lực còn hạn chế, vì vậy, Việt Nam cần tận dụng các nguồn lực xã hội hóa từ người dân, doanh nghiệp và quốc tế cho công tác này.
Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo tồn ĐDSH giúp mạng lưới khu bảo tồn thiên nhiên ngày càng được mở rộng. Tính đến nay, cả nước đã thành lập 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, 59 khu dự trữ thiên nhiên, 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 62 khu bảo vệ cảnh quan.
Hệ sinh thái rừng ở Việt Nam cũng đang dần phục hồi khi diện tích rừng ngày càng tăng lên. Nếu như năm 1995, độ che phủ rừng ở Việt Nam chỉ đạt 28,2% thì đến năm 2022, độ che phủ đã lên tới 42,02%. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tạo lập hành lang pháp lý và chính sách để thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu bảo tồn cấp quốc gia và đóng góp thực hiện thành công các mục tiêu toàn cầu đã được thông qua tại Khung ĐDSH toàn cầu sau năm 2020.
Nhân viên của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam thu gom và phân loại rác tại phường Xuân Hòa, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định: Trong bối cảnh gia tăng dân số, nhu cầu đời sống ngày càng tăng cao, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội tác động làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, rác thải nhựa ở những khu vực đô thị và vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra khó lường đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Để giải quyết những thách thức đó đòi hỏi cần rất nhiều nguồn lực khác nhau, bên cạnh nguồn ngân sách từ Chính phủ thì việc xã hội hóa và huy động sự tham gia từ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đóng góp vào các giải pháp môi trường là điều hết sức cần thiết.
Trong suốt gần 30 năm có mặt tại Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (Toyota) là một trong những doanh nghiệp đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn ĐDSH. Bên cạnh việc giới thiệu những mẫu xe thân thiện với môi trường, Toyota đã và đang triển khai hàng loạt hoạt động bảo vệ môi trường như trồng 8.600 cây xanh tại 77 trường học trên cả nước trong Chương trình “Toyota chung tay xanh hóa học đường”. Cùng với đó, hoạt động “Hành trình thứ hai của lốp” của Toyota đã trao 9 sân chơi được xây dựng từ lốp xe tái chế tặng học sinh tại 6 tỉnh, thành phố. Toyota cũng đồng hành với Chính phủ trong một số chương trình như: “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; “Một tỷ cây xanh-vì Việt Nam xanh”. Mới đây, Toyota đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trao 45 thùng phân loại rác tặng phường Xuân Hòa (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), đồng thời tổ chức thu gom, phân loại rác cùng người dân tại địa phương.
Tạo cơ chế khuyến khích tham gia của người dân và doanh nghiệp
Theo TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển đánh giá, đầu tư cho bảo tồn ĐDSH và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nguồn lực lớn cũng như thời gian. Mặc dù cần đầu tư lớn và lâu dài, song các kết quả thường khó có thể đo tính được một cách cụ thể, rõ ràng trong ngắn hạn. Chính vì thế, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì những chi phí đó khó có thể được ưu tiên do nguồn lực đang được dành cho nhiều hoạt động khác như: Hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn… Do vậy, Việt Nam cần tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế; tạo cơ chế khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân và khối doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn ĐDSH thông qua các mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, bảo tồn ĐDSH.
TS Nguyễn Mạnh Hà gợi ý, Việt Nam có thể tạo các cơ chế mới như những hình thức chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, chính sách khuyến khích đóng góp phần phụ trội thuế của cá nhân và doanh nghiệp cho ĐDSH, các cơ chế chứng chỉ, tín chỉ ĐDSH, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, tín dụng xanh và thiết lập các quỹ về ĐDSH như: Quỹ bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, quỹ cứu trợ loài…
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong công tác bảo tồn ĐDSH, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH. Bộ cũng sẽ tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật về ĐDSH; điều tra quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ĐDSH. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, bảo tồn ĐDSH; thúc đẩy hợp tác quốc tế và thực hiện các giải pháp, mô hình thí điểm về bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững hệ sinh thái, loài, nguồn gen và kiểm soát các tác động tới ĐDSH.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tang-cuong-xa-hoi-hoa-nguon-luc-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-733103
Ý kiến ()