Tăng cường vai trò hợp tác nghị viện trong quan hệ Việt Nam với EU, Bỉ
Chuyến thăm làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu và Việt Nam-Vương quốc Bỉ.
Sau khi kết thúc chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ có chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ, từ ngày 8-9/9.
Phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu
Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) hiện bao gồm 27 nước thành viên, là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù. Về cơ bản, Liên minh châu Âu có 8 định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu, Tòa án Công lý châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Cơ quan Đối ngoại châu Âu và Tòa kiểm toán châu Âu.
Trong các định chế trên, Nghị viện châu Âu (EP) có chức năng chính là cùng Hội đồng Bộ trưởng ban hành luật pháp, giám sát các cơ quan của Liên minh châu Âu, đặc biệt là Ủy ban châu Âu.
Nghị viện có quyền thông qua hoặc bãi miễn các chức vụ Ủy viên Ủy ban châu Âu, có thẩm quyền phê duyệt ngân sách của Liên minh châu Âu. Từ năm 1979, các nghị sỹ của Nghị viện châu Âu được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm, mỗi nước thành viên có ít nhất 6 ghế và nhiều nhất 96 ghế.
Ngày 28/11/1990, Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên vừa tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao vào tháng 11/2020. Nhìn lại chặng đường 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu, có thể thấy những bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc của quan hệ này, từ mang tính hợp tác theo một số lĩnh vực, ngày nay đã tiến tới mối quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách đối ngoại và An ninh chính thức ký Hiệp định hợp tác khung mới tại Brussels (Bỉ) năm 2012, thay thế Hiệp định khung về Hợp tác ký năm 1995.
Mối quan hệ hai bên đạt được hiện nay là kết quả của sự chuyển biến năng động trong hợp tác hai bên từ các lĩnh vực truyền thống như: chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác như: khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng, nông-lâm-ngư nghiệp, đổi mới sáng tạo, cũng như trong nhiều khuôn khổ đa phương quan trọng, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng của hợp tác Việt Nam-Liên minh châu Âu.
Một trong những minh chứng cho nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ đặc trưng và sinh động giữa hai bên, thể hiện dấu ấn và ý chí chính trị mạnh mẽ, là việc trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên, như chuyến thăm cấp cao tới Liên minh châu Âu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2019 và sắp tới là chuyến thăm làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Nhiều lãnh đạo Hội đồng, Ủy ban và Nghị viện châu Âu cũng lần lượt thăm Việt Nam như: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy năm 2012, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso năm 2014, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu/Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách đối ngoại và An ninh Federica Mogherini năm 2019.
Trong năm 2020, mặc dù phải tập trung ứng phó với khủng hoảng kép về y tế và kinh tế, hai bên duy trì thực hiện cam kết, triển khai các trao đổi hợp tác thông qua cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Hai bên phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực để phát huy những thành quả quan trọng của hợp tác sâu rộng thời gian qua, đồng thời tích cực hỗ trợ nhau về trang thiết bị phòng, chống COVID-19.
Cùng với đó, Liên minh châu Âu viện trợ cho các tỉnh miền Trung ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của lũ lụt thiên tai trong tháng 10/2020.
Sự kiện quan trọng, đặt dấu mốc lịch sử mới nhất trong quan hệ hai bên chính là việc ký kết, phê chuẩn và chính thức có hiệu lực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) từ ngày 1/8/2020, sau khi được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam thông qua cùng năm.
EVFTA có phạm vi cam kết sâu rộng, tạo thêm nhiều đột phá, mở ra triển vọng mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên minh châu Âu. Chỉ sau 5 tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều đã khởi sắc. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị của Việt Nam tăng cao như thủy-hải sản, gạo, dệt may, da giầy…
EVFTA cũng mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Liên minh châu Âu đầy tiềm năng với gần 450 triệu dân và quy mô khoảng 18.000 tỷ USD, giúp Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường châu Âu; từ đó, tận dụng những cơ hội mới bên cạnh những lợi thế có được nhờ Việt Nam đã xử lý tốt đại dịch, duy trì được tỷ lệ tăng trưởng dương khả quan. EVFTA còn tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tính đến hết năm 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt 55,39 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu đạt 40,05 tỷ USD (giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019) và nhập khẩu từ thị trường Liên minh châu Âu đạt 15,34 tỷ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái).
Hiện Liên minh châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Mỹ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản) của Việt Nam.
Việt Nam là đối tác thương mại thứ 17 của Liên minh châu Âu và xếp thứ 11 trong số các nước xuất khẩu lớn nhất vào Liên minh châu Âu (trong các nước châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ). Liên minh châu Âu hiện là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại hàng đầu cho Việt Nam.
Trong 7 tháng năm 2021, trao đổi thương mại hai chiều với Liên minh châu Âu đạt 32,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu từ EU đạt 9,7 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh trụ cột kinh tế-thương mại, trọng tâm trong mối quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu, nhiều lĩnh vực hợp tác khác cũng ghi những dấu ấn quan trọng thời gian qua.
Hợp tác đa phương được hai bên chú trọng, trong đó, sự gắn kết chặt chẽ giữa ASEAN và Liên minh châu Âu ngày càng được đẩy mạnh. Liên minh châu Âu có lợi ích lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi 40% tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của Liên minh châu Âu là với châu Á.
Các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Liên minh châu Âu (AEMM-23) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ) lần thứ 7 trong tháng 12/2020 tiếp tục khẳng định sự thống nhất của các bên bằng việc thông qua Tuyên bố chung về Kết nối ASEAN-EU và nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU. Việt Nam đã có tiếng nói và đóng góp quan trọng với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020.
Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP) không ngừng được thúc đẩy và phát triển tốt đẹp, trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên minh châu Âu; các hoạt động trao đổi đoàn thường xuyên, đối thoại định kỳ, tiếp xúc giữa các nghị sỹ tại các Diễn đàn nghị viện đa phương đã đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu nói chung và quan hệ nghị viện nói riêng. Hai bên đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị song phương.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, trong chuyến thăm làm việc tại Liên minh châu Âu tới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu, hội kiến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu và gặp các đại diện của các nghị sỹ châu Âu trong các Ủy ban quan trọng của Nghị viện châu Âu như Ủy ban về thương mại quốc tế – Ủy ban có vai trò chủ chốt, thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định EVFTA và các nhóm nghị sỹ hữu nghị với ASEAN cũng như Việt Nam.
Dự kiến, trong các cuộc hội đàm, hội kiến và làm việc, hai bên sẽ trao đổi về quan hệ hợp tác song phương, các lĩnh vực hợp tác chiến lược; phương hướng tăng cường hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Cơ quan lập pháp châu Âu và các nước Liên minh châu Âu trong khuôn khổ song phương và đa phương; các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; sự ủng hộ của Nghị viện, Chính phủ các nước Liên minh châu Âu đối với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại; hợp tác phòng, chống COVID-19, cung cấp, nhượng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc, vật tư y tế liên quan tại Việt Nam.
Hai bên sẽ thảo luận và trao đổi một số nội dung cùng quan tâm. Trong đó có việc tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong thực thi EVFTA qua hơn 1 năm thi hành.
Ông Vũ Hải Hà cũng cho biết thêm, bên cạnh Hiệp định EVFTA, cũng trong chuyến thăm làm việc này, Chủ tịch Quốc hội sẽ có trao đổi với các đối tác Liên minh châu Âu để thúc đẩy việc phê chuẩn của các nước Liên minh châu Âu đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Liên minh châu Âu của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trao đổi với các đối tác của Liên minh châu Âu, thông báo những cố gắng, nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện những khuyến nghị của Liên minh châu Âu về đánh bắt thủy, hải sản.
Làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác Việt Nam-Bỉ
Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Bỉ đã có lịch sử gần 50 năm. Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/3/1973. Kể từ đó mối quan hệ đã phát triển nhanh chóng và ấn tượng.
Bỉ là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên có chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam. Từ năm 1977 đến nay, Bỉ đã cho Việt Nam vay tín dụng ưu đãi và viện trợ không hoàn lại gần 300 triệu USD (trong đó viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 60%).
Thương mại song phương Việt Nam-Bỉ đã đạt những bước phát triển nhất định với kim ngạch thương mại 2 chiều tăng đều trong giai đoạn 2013-2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Bỉ năm 2019 đạt khoảng 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, năm 2020 chỉ đạt 2,7 tỷ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau.
Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước Liên minh châu Âu và châu Âu khác, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam, do hàng hóa từ Việt Nam được vào Bỉ để đưa sang các nước Tây Âu khác (cảng Antwerp của Bỉ là một trong những hải cảng trung chuyển hàng hóa lớn ở châu Âu).
Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (sau Đức, Anh, Hà Lan, Pháp, Italy). Quan hệ giữa các tổ chức kinh tế trung ương, địa phương, ngành của Việt Nam với 3 vùng Wallonie, Flanders và Bruxelles được tăng cường và mở rộng.
Việt Nam và Bỉ ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư ngày 24/1/1991. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Bỉ vào Việt Nam, tính đến tháng 7/2021, có 82 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23/131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư Bỉ đã đầu tư vào 16 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, Quảng Ninh, Bình Thuận, Phú Thọ, Bến Tre và Thành phố Hồ Chí Minh. Về đầu tư của Việt Nam sang Bỉ, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới đầu tư 3 dự án với tổng vốn 1,05 triệu USD trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, nông nghiệp (thủy sản).
Hai nước có nhiều mối quan hệ hợp tác song phương đa dạng và phong phú trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, văn hóa, giao thông vận tải, quốc phòng – an ninh. Rất nhiều cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tập tại Bỉ. Hai nước có quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, chuyến thăm làm việc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tại Bỉ có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang châu Âu, trong đó có Bỉ sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19 với các hoạt động ngoại giao chủ yếu theo hình thức trực tuyến; diễn ra sau Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Dự kiến, trong chuyến thăm làm việc tại Bỉ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có các cuộc hội kiến với Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện Bỉ; tiếp xúc cấp cao với một số doanh nghiệp lớn của Bỉ để trao đổi thúc đẩy quan hệ hợp tác đang có tiến triển tích cực giữa hai nước trên mọi lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa-giáo dục và đặc biệt là ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ gặp gỡ Cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ.
Chuyến thăm làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam lần này góp phần triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương kết hợp song phương, ngoại giao nghị viện, ngoại giao nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu và Việt Nam-Vương quốc Bỉ.
Chuyến thăm làm việc nhằm thúc đẩy ngoại giao vaccine và hợp tác quốc tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19, thể hiện nỗ lực của Việt Nam cùng các nước và cộng đồng doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, tìm giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()