Tăng cường vai trò của báo chí trong chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức
Chiều 6/1, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chủ trì tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan báo chí.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc vai trò của báo chí trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Đồng thời, các đại biểu cũng đánh giá thực trạng, hiệu quả công tác báo chí với nhiệm vụ chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thời gian qua; làm rõ những ưu điểm, hạn chế; chỉ ra các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong thông tin, tuyên truyền, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể và các cơ quan báo chí cũng đã chia sẻ, trao đổi về các vấn đề cần quan tâm trong tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, phát hiện, biểu dương những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt cũng như trong đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm, luận điệu sai trái của các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch; những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho hay, vừa qua, Mặt trận có chuẩn bị chương trình tham gia Nghị quyết Trung ương 4 (Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ). Trong quá trình đó, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng gợi mở: “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 nếu chỉ có Đảng, chính quyền làm, không có sự tham gia của nhân dân, của MTTQ Việt Nam thì không thể thành công. Phải làm sao phát huy được tiếng nói nhân dân thông qua các cơ quan báo chí, phải có sự phối hợp giữa Mặt trận với cơ quan báo chí”.
Bên cạnh việc truyền tải nội dung của Nghị quyết, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, báo chí cần phải làm cho người dân, cán bộ quản lý không thể không chống suy thoái, tham nhũng một cách quyết liệt. “Nếu không chống tham nhũng, suy thoái ngay bây giờ thì không có ngày mai, vì đây là sự đe dọa tới tồn vong của đất nước và không quyết tâm làm thì sẽ không thể có Nghị quyết Trung ương 4 lần thứ hai. Bởi khi đó, suy thoái và tham nhũng sẽ gây biến động trong xã hội, cướp đi cơ hội phát triển của đất nước”, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, tham nhũng và suy thoái, ngoài các cá nhân trực tiếp tham gia, thì ít nhất có một người nữa biết vì đây là vấn đề hai chiều. Đồng thời, cần tạo cơ chế để các chủ thể tham gia này nói ra và có cơ chế bảo vệ người tố giác.
Về phía MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Mặt trận đã nhận thấy trách nhiệm của mình và yêu cầu hệ thống báo chí của Mặt trận đồng hành chống tham nhũng. Đồng thời, MTTQ Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận phản ánh của báo chí. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng lãnh đạo 5 tổ chức chính trị-xã hội, Hội nhà báo Việt Nam sẽ rà soát thông tin báo chí và nhân dân phản ánh để chọn lọc, chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm. Định kỳ hằng tháng sẽ tổ chức rà soát thông tin về tham nhũng, suy thoái qua báo chí và người dân. Người đứng đầu Mặt trận cũng nhấn mạnh tới cơ chế phản hồi bởi nếu các vụ việc không được xử lý đến cùng thì người dân sẽ không cung cấp thông tin nữa.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, việc đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đây là vấn đề có tính quy luật, ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, vấn đề chống suy thoái đã được đặt ra.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu ra yêu cầu là phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và trong Nghị quyết Trung ương 4 có nêu rõ vai trò của báo chí, nhấn mạnh nhiệm vụ phải phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
“Việc tổ chức tọa đàm hôm nay là việc làm thiết thực, cụ thể để góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm rất nặng nề của những người làm báo và mỗi tờ báo, mỗi người làm báo đều phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng, văn hóa mà Đảng đã giao”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Theo ông Võ Văn Thưởng, với vai trò của mình và mang tinh thần “phò chính, trừ tà”, thời gian qua, báo chí đã tích cực đi đầu trong việc tham gia phát hiện các biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội. Thông tin kịp thời, chính xác các vụ việc cho các cơ quan chức năng và thực tế cho thấy rất nhiều vụ việc, vụ án tham ô, tham nhũng, tiêu cực được các cơ quan chức năng xử lý bắt đầu bằng việc phát hiện và thông tin từ báo chí.
Bên cạnh đó, những vụ việc mà báo chí tham gia, phản ánh cũng tạo áp lực dư luận cần thiết để thúc đẩy các cơ quan thanh tra, điều tra và các cơ quan xét xử đưa các vụ việc ra xử lý nhanh hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Trong đấu tranh chống diễn biến hòa bình, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì các tờ báo cũng phát huy mạnh mẽ được vai trò và trách nhiệm của mình…
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại mà các cơ quan báo chí cần nỗ lực hơn trong công tác đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
Đề cập tới các nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Võ Văn Thưởng đề nghị báo chí tiếp tục phát huy mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa vai trò của mình trong đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải quán triệt sâu sắc hơn nữa nội dung tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và phải nhận thức được đẩy đủ những biểu hiệu của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tập trung tuyên truyền để thấy rằng đây là một cuộc đấu tranh không hề đơn giản mà rất cam go và phức tạp, nhưng là cuộc đấu tranh mà nếu hực hiện đồng bộ, tích cực, quyết tâm thì sẽ có kết quả, chứ không phải khó khăn đến mức không thể chống được, không thể đấu tranh được.
Đồng thời, công tác chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin phải thống nhất, thông suốt, thường xuyên và kịp thời tới các cơ quan báo chí. Tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo định hướng của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của báo chí; tăng cường kỷ luật đảng đối với các đảng viên hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng, tổ chức cơ sở đảng, chất lượng sinh hoạt đảng trong các cơ quan báo chí và bản thân mỗi cơ quan báo chí cũng phải tăng cường giáo dục đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của mình để khắc phục sự suy thoái trong chính nội bộ các cơ quan báo chí.
Phải phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong đấu tranh phòng chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí gắn liền với việc bảo đảm tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí.
Ngoài ra, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý cần tiếp tục quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho báo chí để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, việc thực hiện các quy định về đạo đức, nghề nghiệp của người làm báo.
* Cũng trong ngày 6/1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Báo Cứu Quốc, tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết, phát hành số đầu tiên (25/1/1942-25/1/2017).
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhiệt liệt chúc mừng các thế hệ nhà báo báo Cứu Quốc – Giải phóng – Đại Đoàn Kết nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập. Đồng thời giao nhiệm vụ cho Báo cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao ý thức và trách nhiệm chính trị, làm tròn trách nhiệm là người tiên phong, là công cụ truyền thông trực tiếp, hiệu quả của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()