Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến và bảo quản thủy sản
Những năm qua, khoa học công nghệ (KHCN) trong chế biến và bảo quản thủy sản (CB&BQTS) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành thủy sản. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao hơn cho ngành, công tác nghiên cứu và ứng dụng KHCN vẫn rất cần được tiếp tục quan tâm, chú trọng.
|
Để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng cho ngành thủy sản, công tác nghiên cứu KHCN |
Nhiều tiến bộ KHCN được áp dụng trong CB&BQTS
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, ngành chế biến thủy sản đã có nhiều bước phát triển nhanh chóng. Trong đó, năm 2014, chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trên 1,4 triệu tấn với giá trị kim ngạch đạt 7,83 tỷ USD. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ chế biến và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thủy sản Việt Nam tiếp tục được nâng cao với hệ thống nhà máy chế biến sử dụng dây chuyền thiết bị hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như ISO, HACCP,…
Thêm vào đó, tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng ngày càng được cải thiện, chủng loại sản phẩm ngày càng phong phú với tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu đạt gần 50%. Hiện nay có trên 160 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu thủy sản của Việt Nam; số cơ sở chế biến bảo quản thủy sản có mã xuất khẩu đến các thị trường trên thế giới ngày càng tăng. Đồng thời, trên thị trường nội địa, ngày càng có nhiều mặt hàng thủy sản phong phú về mẫu mã, mỹ thuật, bao bì, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.
Để có được những thành tựu trên, khoa học công nghệ đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển chung của ngành CB&BQTS. Trong đó, nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại, có năng suất cao, đảm bảo chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về VSATTP đã được đưa vào sử dụng như: hệ thống làm đá vảy, đá khô, đá lỏng, dây chuyền chế biến liên hoàn,… Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu và áp dụng KHCN trong CBBQTS đã tạo ra nhiều mặt hàng mới, làm thay đổi cơ cấu sản phẩm thủy sản từ sơ chế sang nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, giá trị gia tăng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao ngày càng nhiều, mẫu mã, bao bì sản phẩm hấp dẫn.
Đồng thời, một số công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ về xử lý, sơ chế, bảo quản thủy sản trên tàu cá, các công nghệ làm lạnh nước biển để bảo quản hải sản đã được đầu tư, nâng cấp đáng kể như: bể ngâm hạ nhiệt, khay chứa đựng,… Thông qua đó đã góp phần làm giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản, tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tốt hơn cho chế biến xuất khẩu.
Song song với đó, công tác nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và áp dụng các công nghệ thu gom, xử lý, sản xuất, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ phế phụ phẩm thủy sản cũng được đầu tư, nghiên cứu. Bước đầu đã tạo ra được một số sản phẩm phục vụ cho các ngành thực phẩm và phi thực phẩm, đồng thời mở ra nhiều hướng mới trong việc tận dụng phế phụ phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường trong công nghiệp chế biến thủy sản.
Việc xây dựng và áp dụng quy chuẩn Việt Nam về VSATTP đối với tàu cá, cảng cá, chợ cá, cơ sở thu mua nguyên liệu thủy sản, cơ sở sản xuất nước đá,…đã góp phần nâng cao chất lượng và VSATTP của hàng thủy sản Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu nhiều thị trường, kể cả thị trường đòi hỏi cao về VSATTP. Với những thành tựu trên, KHCN đã đóng góp một phần quan trọng cho việc hình thành nền công nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản phát triển.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong lĩnh vực CB&BQTS vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, định hướng phát triển, sản phẩm mới của các cơ quan chức năng chưa phát huy tác dụng; các doanh nghiệp vẫn phải tự xoay xở để đáp ứng yêu cầu khách hàng. Chính sách khuyến khích nghiên cứu KHCN chưa thực sự tạo ra động lực thu hút các nhà khoa học chuyên tâm vào nghiên cứu. Việc giao nhiệm vụ và cấp kinh phí vẫn còn mang nặng cơ chế xin-cho.
Những năm gần đây, các công trình nghiên cứu KHCN-CB&BQTS chưa được quan tâm đúng mức, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5-10% kinh phí nghiên cứu khoa học cho cả ngành thủy sản. Chưa có chiến lược định hướng KHCN cho lĩnh vực CB&BQTS dẫn đến các đề tài còn manh mún, tản mạn, chưa gắn kết với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chưa giải quyết được những vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp và chưa đáp ứng các yêu cầu của sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ các kết quả nghiên cứu, sản phẩm mới còn nhiều bất cập; các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp chưa bảo vệ được thành quả của mình dẫn đến thiếu động lực trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
Đối với các đơn vị nghiên cứu, đội ngũ cán bộ chuyên về lĩnh vực CB&BQTS còn mỏng, trình độ còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Cơ sở vật chất cho nghiên cứu trong thời gian dài ít được quan tâm đầu tư, trang bị dàn trải, lạc hậu so với phát triển thực tiễn sản xuất. Thiếu sự gắn kết và tập hợp sức mạnh giữa các đơn vị nghiên cứu như: trường, viện, trung tâm,…vì vậy chưa tạo ra được sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án ít được đưa vào thực tiễn sản xuất do chất lượng sản phẩm đầu ra chưa đáp ứng yêu cầu, các nội dung nghiên cứu chưa xuất phát từ yêu cầu thực tiễn.
Đối với cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp CB&BQTS thường có quy mô vừa và nhỏ nên nguồn lực dành cho công tác nghiên cứu và áp dụng KHCN còn hạn chế, chủ yếu làm gia công cho các thương gia nước ngòai và những doanh nghiệp lớn trong nước. Chưa quan tâm tạo lập quỹ nghiên cứu, phát triển, áp dụng KHCN cho cơ sở; chưa tạo dựng mối liên kết và thiếu lòng tin đối với các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án. Về nội dung nghiên cứu và áp dụng KHCN, vẫn chưa quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm như: nhu cầu, thị hiếu, tập quán tiêu dùng, các rào cản thương mại,…của các thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn của Việt Nam. Đồng thời, vẫn còn thiếu các nghiên cứu, đánh giá về mô hình sản xuất phù hợp, chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, mô hình hợp tác,…làm hạn chế sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành trên từng nhóm sản phẩm chủ lực.
Các sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa, sản phẩm truyền thống của Việt Nam rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên, các nghiên cứu phát triển các sản phẩm tiêu thụ nội địa, sản phẩm truyền thống chưa được quan tâm chú trọng. Do đó, chế biến xuất khẩu thủy sản đã có những bước tiến dài nhưng CB&BQTS nội địa và truyền thống gần như dẫm chân tại chỗ dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, vấn đề bảo đảm ATTP và vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế.
Tăng cường ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả KHCN vào thực tiễn chế bíến, bảo quản thủy sản, theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, trong thời gian tới, ngành sẽ phát triển theo hướng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến, cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng giảm tỷ trọng các sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Mở rộng áp dụng hệ thống quản lý ATTP; nghiên cứu và đầu tư ứng dụng công nghệ cao bảo quản trong và sau thu hoạch để giảm tỷ lệ thất thoát và xuất khẩu thủy sản sống có giá trị cao. Phát triển, chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác và chế biến, thương mại sản phẩm thủy sản. Giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng mới nổi và thị trường tiêu thụ trong nước.
Để thực hiện được mục tiêu trên, từ nay đến năm 2020, ngành sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ KHCN cụ thể. Trong đó, về KHCN phục vụ cho tổ chức lại sản xuất: tiến hành nghiên cứu các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, tập quán sản xuất kinh doanh đối với từng khu vực, từng đối tượng và mặt hàng thủy sản khác nhau. Xây dựng các mối liên kết ngang, dọc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; nghiên cứu áp dụng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên thế giới để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam. Tập trung nghiên cứu chuỗi giá trị một số mặt hàng thủy sản chủ lực nhằm tìm ra các giải pháp hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các chủ thể trong toàn chuỗi.
Về KHCN giảm tổn thất sau thu hoạch thủy sản, cần đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá, xác định mức độ tổn thất sau thu hoạch của thủy sản; xây dựng bộ tiêu chí, công cụ, phương pháp đánh giá, đề xuất các giải pháp nhằm giảm tổn thất đối với từng đối tượng, nhóm sản phẩm, công đoạn trong chuỗi sản xuất. Nghiên cứu và triển khai mô hình tổ chức, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và tại cảng cá. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác thủy sản, thay đổi phương pháp đánh bắt và ngư lưới cụ để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi khai thác.
Về KHCN phục vụ việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và an toàn thực phẩm: tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu từng thị trường. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thủy sản; nghiên cứu tập trung vào các đối tượng chủ lực, đặc biệt là cá tra do hiện nay vẫn chủ yếu là sản phẩm phi lê đông lạnh. Đồng thời, tập trung vào công tác chế tạo và áp dụng máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ chế biến thủy sản nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành và giảm nhập khẩu các máy móc, thiết bị từ nước ngoài.
Về KHCN phục vụ mở rộng thị trường tiêu thụ thủy sản, tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường về nhu cầu, xu hướng và khả năng tiêu thụ, rào cản thương mại, điều kiện kinh doanh,… để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là những thị trường mới và tiềm năng. Thêm vào đó, nghiên cứu mô hình tổ chức vận chuyển, phân phối, mạng lưới tiêu thụ thủy sản nội địa; xây dựng phát triển thương hiệu có uy tín, gắn với chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm chủ lực và đặc thù của Việt Nam và các thủy sản đặc sản của từng địa phương.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()