Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ
LSO-Mặc dù chiếm chưa đến 3% trong tổng sản phẩm của thành phố, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn có vai trò quan trọng trên địa bàn. Với đặc điểm tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, hướng đi của thành phố là chú trọng nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học để nâng cao giá trị sản xuất.
Áp dụng kỹ thuật nuôi gà Đông Tảo ở thôn Bình Cằm, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn |
Nhắc tới chuyện lần lượt ba đứa con thi đỗ đại học, anh Hoàng Văn Dong, thôn Nà Chuông II, xã Mai Pha không giấu vẻ tự hào. Nhưng cùng với đó là bao việc phải lo toan. Không còn là câu chuyện đủ đầy ăn, mặc mà là hàng tháng, cứ đến kỳ là phải lo đủ tiền chu cấp cho ba cử nhân tương lai. Là một gia đình thuần nông, bài toán đặt ra với anh Dong là phải làm sao trên diện tích hiện có, các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt phải đạt giá trị cao hơn. Anh Dong chia sẻ: để đạt được mục đích ấy, việc tìm tòi, tiếp thu các kỹ thuật mới, ứng dụng khoa học vào sản xuất có ý nghĩa quyết định. Hiện gia đình có hơn 4 ha thông tới kỳ thu hoạch nhựa. Không chủ quan vào kinh nghiệm của mình, tôi tìm hiểu qua sách báo, học tập kỹ thuật và thực hiện theo đúng quy trình. Nhờ đó, lượng nhựa nhiều hơn mà cây không bị khai thác kiệt.
Những diện tích trống của vườn đồi, anh Dong tìm tòi mua giống, học hỏi cách trồng để mở rộng vài chục gốc hồng Bảo Lâm. Trong chăn nuôi, từ chỗ đơn thuần nuôi dăm con gà ta, gia đình anh đầu tư mua gà sáu ngón, từ đó mày mò tự nhân giống. Anh Dong cho biết: để nhân giống được gà sáu ngón là rất khó, ngoài học tập kỹ thuật, người chăn nuôi cần phải rất tỉ mỉ, quan sát hàng ngày để tìm hiểu đặc tính, chọn tỉ lệ trống, mái, xây dựng nơi ấp trứng… Làm tốt thì tỉ lệ trứng nở ra đúng gà sáu ngón là 3/10.
Ngoài gà sáu ngón, anh Dong còn tiếp nhận dự án nuôi gà Đông Tảo của Ban quản lý Xây dựng Nông thôn mới xã Mai Pha. Nuôi chưa được 5 tháng nhưng vừa qua đã có một số người ngỏ ý mua gà Đông Tảo của anh với giá 2 triệu đồng/con. Đồng thời anh còn tham gia Hợp tác xã rau màu Nà Chuông trồng rau an toàn theo quy trình VietGap. Hiện nay tổng thu nhập của gia đình xấp xỉ 200 triệu đồng/năm, ước tính gấp gần 5 lần so với sản xuất đơn thuần.
Không chỉ riêng gia đình anh Dong, mà trong những năm trở lại đây việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được các cấp, ngành và nông dân thành phố chuyển giao, áp dụng mạnh mẽ. Nhiều mô hình sản xuất có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao như trồng nho Cự Phong, trồng hoa, rau VietGap, chăn nuôi tập trung, hơn nữa là cho gà nghe nhạc để tăng năng suất, hiệu quả…
Theo thống kê, khu vực nông thôn thành phố có trên 5,5 nghìn hộ dân với dân số hơn 21,6 nghìn người, bằng 23,4% dân số thành phố; lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp khoảng 10 nghìn người, chiếm 47,84% dân số nông thôn. Bởi vậy, mặc dù chiếm chưa đầy 3% trong cơ cấu GDP nhưng nông nghiệp có vai trò quan trọng trên địa bàn.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 62, ngày 29/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn đến năm 2020” là: đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó xác định phải tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Ông Phạm Đình Duy, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: để khoa học, kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, Phòng kinh tế cùng với các đơn vị hữu quan phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn kiến thức kỹ thuật cho nông dân. Trong 5 năm trở lại đây đã tổ chức được 70 lớp chuyển giao khoa chọc kỹ thuật; thực hiện được 8 mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp với kinh phí hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng. Điển hình như: mô hình trồng rau an toàn, nuôi gà an toàn sinh học, dưa vàng, trồng hạt dẻ, lợn thịt và lợn nái sinh sản, sản xuất chế biến nấm…hiện nay việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, gieo trồng chiếm khoảng 80%.
Minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp trên địa bàn thành phố là giá trị sản xuất không ngừng tăng lên theo từng năm. Hiện nay giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 160 tỉ đồng/năm, tăng hơn 40 tỉ đồng so với 5 năm trước đó. Giá trị sản xuất tăng lên, đời sống của nhân dân khu vực nông thôn được cải thiện, điều đó góp phần quan trọng để thành phố hướng tới hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()