Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, quản lý giáo dục
– Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục đã được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đặc biệt quan tâm triển khai, qua đó giúp các đơn vị kịp thời nắm bắt, triển khai hiệu quả các chỉ đạo của ngành.
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Nhằm tiết kiệm chi phí, ứng phó hiệu quả với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sở đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành công tác giáo dục. Trước tiên là thực hiện việc sử dụng sổ sách điện tử trong các nhà trường, sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu toàn ngành về GD&ĐT, hệ thống quản lý nhà trường (SMAS, VnEdu), quản lý thư viện, quản lý tài chính, quản lý phổ cập… để giúp cho việc quản trị dữ liệu và khai thác, phân tích dữ liệu được thuận tiện, chính xác, góp phần giúp cán bộ quản lý đưa ra những quyết định chính xác trong quản trị, điều hành nhà trường.
Sở GD&ĐT tỉnh triển khai họp trực tuyến chỉ đạo công tác giáo dục tới các đơn vị.
Để việc ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục được triển khai hiệu quả, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trung tâm Giải pháp CNTT giáo dục (EITSC) thuộc Cục CNTT, Bộ GD&ĐT triển khai cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT theo đặc thù riêng của Lạng Sơn tại địa chỉ http://csdl.langson.edu.vn; phối hợp với VNPT Lạng Sơn, Viettel Lạng Sơn triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến. Cùng đó, 11/11 Phòng GD&ĐT và 100% cơ sở giáo dục có website, có kênh điều hành riêng để triển khai công tác hành chính. 100% trường học trong tỉnh đã triển khai các ứng dụng quản lý giáo dục.
Ông Đường Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tràng Định cho biết: Toàn huyện có 56 đơn vị trường học. Với việc ứng dụng CNTT vào quản lý giáo dục, khi triển khai gửi nhận văn bản điện tử giữa phòng với Sở GD&ĐT và với các trường học đã tiết kiệm chi phí cước bưu điện, in ấn, tránh được sự thất lạc, kịp thời phục vụ công tác trao đổi thông tin trong chỉ đạo, điều hành. Đối với trường học, nhờ các loại sổ sách điện tử được lưu trữ trên hệ thống nên khi được yêu cầu cung cấp thông tin đã truy vấn thực hiện nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Số liệu được cập nhật đầy đủ phục vụ tốt công tác tổng hợp các báo cáo thống kê và hỗ trợ lập kế hoạch cho ngành.
Theo báo cáo, toàn ngành hiện có 674 đơn vị trường học với hơn 3.500 máy vi tính phục vụ công tác hành chính. Cùng đó, có 414 trường (91 trường mầm non, 121 trường tiểu học, 168 trường THCS, 29 trường THPT, 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên) đang sử dụng phần mềm quản lý nhà trường của VNPT và Viettel. Qua ứng dụng CNTT, các loại sổ sách như: sổ điểm, sổ phổ cập, sổ đăng bộ, hồ sơ giáo viên, thư viện, hồ sơ kiểm định chất lượng giáo dục, số liệu thống kê về học sinh, giáo viên, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử, đã được số hóa, tin học hóa quản lý trường học theo hướng ứng dụng các công cụ trực tuyến.
Thầy Trần Anh Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan cho biết: Để ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, nhà trường đã và đang triển khai thực hiện học bạ điện tử, sổ điểm điện tử để quản lý, tra cứu nhanh chóng thông tin học tập của học sinh. Nhà trường cũng đã có website và fanpage để cập nhật các hoạt động cũng như thông tin các vấn đề liên quan đến phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, các giáo viên nhà trường còn tham gia sinh hoạt theo nhóm tin trên Zalo, Facebook để kịp thời triển khai hoạt động giáo dục theo chỉ đạo của nhà trường.
Với những lợi ích đó, để việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành công tác giáo dục được triển khai hiệu quả, trong thời gian tới, Sở GDĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu ngành tại địa chỉ http://csdl.moet.gov.vn. Đồng thời, tích cực chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị cập nhật thông tin vào hệ thống theo thời gian quy định của Bộ GD&ĐT để các cấp quản lý khai thác số liệu phục vụ cho công tác quản lý và công tác chuyên môn; quan tâm tổ chức tập huấn CNTT, cách sử dụng các phần mềm mới đến đội ngũ cán bộ cốt cán tại các sở giáo dục…
Ý kiến ()