Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính các cấp
(LSO) – Thời gian gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả rõ rệt trong các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp tại Lạng Sơn. Nhiều phần mềm, hệ thống đã phục vụ đắc lực nhiệm vụ chuyên môn và công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ tổ chức, cá nhân.
Hơn một năm nay, ngành y tế tỉnh đã trang bị và sử dụng hiệu quả khoảng 10 hệ thống, phần mềm CNTT vào phục vụ nhiệm vụ chuyên môn và giải quyết TTHC. Điển hình là hệ thống quản lý và thanh toán khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế liên thông 3 cấp (tỉnh – huyện – xã); kiểm soát kê đơn và bán thuốc; quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; đấu thầu thuốc và bệnh án điện tử; quản lý tiêm chủng cá nhân; báo dịch; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống camera giám sát bệnh viện; sử dụng chữ ký số, chứng thư số để số hóa văn bản… Ngành còn triển khai, ứng dụng 146 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2, 3, 4 trong giải quyết TTHC. Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hầu hết phần mềm, hệ thống được triển khai, ứng dụng đều mang lại hiệu quả cao trong công tác chuyên môn và phục vụ tổ chức, cá nhân. Đơn cử như hệ thống hội nghị trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại của thành phần dự họp; DVCTT giúp tổ chức, người dân có thể nộp hồ sơ, kiểm soát tiến độ giải quyết hồ sơ qua mạng…
Cán bộ Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết TTHC qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử tại bộ phận một cửa huyện Lộc Bình
Không riêng ngành y tế, từ năm 2018 đến nay, các cấp, ngành, đơn vị hành chính trong tỉnh đã triển khai, ứng dụng hiệu quả CNTT phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ và giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Cụ thể từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số phần mềm, hệ thống CNTT mới được triển khai ứng dụng. Trong số đó phải kể đến như phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT – Ioffice) đã được triển khai tới 100% sở, ban, ngành của tỉnh; đang được triển khai tới UBND cấp huyện và tiến tới mở rộng đến UBND cấp xã. Trong năm nay, hệ thống đã có gần 15.000 văn bản điện tử có ký số được gửi và nhận liên thông 4 cấp từ trung ương đến cơ sở. Anh Vy Văn Quản, công chức Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, sở đã nhận gần 11.000 văn bản đến, gửi gần 3.000 văn bản đi. Nhờ hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT – Ioffice) phiên bản mới, đơn vị có thể xử lý ngay văn bản điện tử mà không cần chờ văn bản giấy. Việc tra cứu, đính kèm, luân chuyển văn bản cũng thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng hơn nhiều so với trước.
Không chỉ có thế, hiện tại, một số hệ thống khác cũng được mở rộng như ngoài 32 trang thông tin điện tử thành viên của cổng thông tin điện tử tỉnh thì cả tỉnh có thêm 13 trang thông tin điện tử cấp xã. Cổng DVCTT của tỉnh cũng đã triển khai được gần 1.900 DVCTT mức độ 2, 3, 4; trong 9 tháng đầu năm 2019 giải quyết được gần 20.000 hồ sơ… Ngoài ra, các phần mềm chuyên ngành đã được ứng dụng hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị như phần mềm: quản lý ngân sách, quản lý tài sản, cấp mã số tài sản, trao đổi thu chi trong ngành tài chính; trang thông tin điện tử của ngành giáo dục; phần mềm số hóa tài liệu lưu trữ điện tử của Sở Nội vụ…
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Năm 2019 có nhiều đột phá trong triển khai, ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị hành chính được các cấp, ngành, đơn vị chức năng đánh giá cao. Có được kết quả này là do từ cuối năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 153/KH-UBND về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2019. Hơn nữa, việc ban hành kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2019 – 2025 cũng là cơ sở định hướng cho việc triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị đồng bộ, hiệu quả.
Để CNTT thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác chuyên môn và giải quyết TTHC, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp sử dụng hiệu quả các phần mềm, hệ thống được đầu tư và đảm bảo an toàn thông tin, xử lý kịp thời các sự cố an toàn thông tin mạng.
Ý kiến ()