Tăng cường tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm y tế để thu hút nhiều người dân tham gia
Chiều 15/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và triển khai Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về cải cách hành chính đối với doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam chiều 15/8. Ảnh: ĐT
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… cùng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, tính đến hết 31/7/2016, cả nước có số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 12 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp là hơn 10 triệu người, bảo hiểm y tế là gần 73 triệu người. Số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lũy kế 7 tháng gần đây đạt hơn 133 nghìn tỷ đồng.
Trong 7 tháng qua, toàn ngành bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho hơn 5 triệu lượt người, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 77,5 triệu lượt người.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về cải cách hành chính đối với doanh nghiệp, tháng 5/2016, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 1852/KH-BHXH, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị nghiệp vụ ở Trung ương, Giám đốc BHXH 63 tỉnh, thành phố và Giám đốc BHXH 710 quận, huyện trong toàn quốc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết này; đồng thời, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cắt giảm thời gian, chi phí đối với doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH, phấn đấu giảm số giờ giao dịch xuống 49 giờ, ngang bằng các nước ASEAN 4 vào cuối năm 2016 và đến năm 2020 giảm số giờ giao dịch đối với doanh nghiệp xuống còn 45 giờ ngang bằng với các nước ASEAN 3.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát toàn bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý của Ngành liên quan đến thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người dân, doanh nghiệp, người lao động. Thủ tục hành chính giảm xuống còn 32 thủ tục; Thành phần hồ sơ giảm 38%; Các tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; Quy trình, thao tác thực hiện thủ tục giảm 54%.
BHXH Việt Nam đã xây dựng, đưa vào sử dụng Cổng thông tin giám định BHYT từ tháng 6/2016 nhằm cải cách hành chính, giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo hình thức trực tuyến trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh. Tính đến 15/8/2016, đã có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố kết nối thành công vào Cổng thông tin giám định BHYT điện tử. Chỉ còn 66 trạm y tế xã, tại 11 tỉnh chưa kết nối được, do không có điện lưới và internet. Số trạm y tế xã này sẽ thực hiện chuyển hồ sơ qua Trung tâm y tế huyện để nhập dữ liệu.
Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BHXH Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về công tác phát triển đối tượng; triển khai Cổng thông tin giám định BHYT; tình hình lạm dụng Quỹ BHYT ngày càng nghiêm trọng đặc biệt sau khi có tác động của thông tuyến huyện BHYT trên toàn quốc và tăng giá dịch vụ y tế; việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT gặp khó khăn do quy định chuyển chức năng khởi kiện sang tổ chức công đoàn…
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, trong bối cảnh thực hiện liên thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) hiện nay, việc kiểm soát lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT càng trở nên khó khăn, hệ thống giám định BHYT điện tử này sẽ là công cụ hiệu quả để BHXH Việt Nam quản lý hiệu quả chi phí khám chữa bệnh, BHYT. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở y tế vẫn chưa thể thực hiện liên thông chuyển dữ liệu chuẩn lên Cổng thông tin giám định BHYT do chưa mã hóa được danh mục dùng chung đã được ban hành. Đặc biệt, nhân viên của các cơ sở y tế có trình độ công nghệ thông tin rất yếu, mà theo ông Sơn, sự “yếu” này liên quan đến cả trình độ và trách nhiệm về nhiệm vụ của người được giao thực hiện…
Đại diện lãnh đạo của các Bộ, ngành tham gia cuộc họp đều đánh giá cao nỗ lực và chia sẻ với những khó khăn của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tỷ lệ người tham gia BHXH mới đạt khoảng 24-25% như hiện nay không phải là con số khả quan. “Một xã hội ít người dân tham gia BHXH cũng như BHYT là không ổn định, bởi chỉ cần một bất trắc xảy ra như bệnh tật, mất sức lao động… bản thân người dân và gia đình của họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Trong khi ở những nước phát triển, tuyệt đại đa số người dân đều tham gia BHXH, BHYT dù mức phí cao”.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng “Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cần phải làm gì để tăng số người tham gia BHXH?”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, cơ quan này đang triển khai nhiều giải pháp như: ban hành văn bản hướng dẫn, phối hợp với BHXH Việt Nam sửa đổi những vướng mắc phát sinh. Ông Huân cũng thừa nhận, việc nắm được đầy đủ thông tin quản lý lực lượng lao động vẫn đang “để ngỏ” câu trả lời do thiếu cơ chế liên thông dữ liệu giữa các cơ quan liên quan quản lý các nhóm đối tượng do ngành LĐ-TB&XH quản lý. Hiện nay, Bộ đang tìm các giải pháp để thiết kế được hệ thống đưa công nghệ vào quản lý, đồng thời tăng cường tính báo cáo, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: ĐT
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chính sách an sinh xã hội là thước đo trình độ phát triển của một đất nước. Do vậy, việc thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT là mục tiêu mà BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục triển khai thực hiện. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 90% dân số tham gia BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính trong giám định, khám chữa bệnh bằng BHYT; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của BHYT để thu hút nhiều người dân tham gia BHYT.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 21-NQ/TW còn hết sức khó khăn do các giải pháp mở rộng đối tượng này chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực phi chính thức. Với khoảng 25% người tham gia BHXH với 10 triệu người có quan hệ lao động hiện nay là rất đáng báo động. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan phải tập trung tìm giải pháp cụ thể để hơn 2 triệu lao động trong tổng số hơn 10 triệu người có hợp đồng lao động được tham gia BHXH…/.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()