Tăng cường tuyên truyền phòng tránh đuối nước cho trẻ
LSO-Từ năm 2013 đến nay, tại Lạng Sơn có trên 300 trẻ gặp tai nạn thương tích, trong đó có 14 em tử vong do đuối nước. Đặc biệt trong những năm gần đây, tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn đang là vấn đề được các cấp, ngành hết sức quan tâm.
Do thiếu sân chơi lành mạnh, trẻ em thôn Bản Xó, xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan ra tắm suối giữa buổi trưa |
Lạng Sơn có khá nhiều sông, ngòi, ao, hồ, đập chứa nước để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Nhưng do địa hình chia cắt, không bằng phẳng lại chưa có hệ thống cầu bắc qua sông kiên cố, các suối, đập chứa nước chưa được quản lý chặt chẽ và sự tuyên truyền, phòng tránh đuối nước ở trẻ em hiện nay vẫn chưa được sâu rộng… Cùng với đó là tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ tại các vùng nông thôn, sự bất cẩn của người lớn, đặc biệt việc trẻ thiếu kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, thiếu kỹ năng bơi lội. Đó là những nguyên nhân chính gây ra việc đuối nước ở trẻ.
Vụ đuối nước xảy ra gần đây nhất là vào dịp đầu tháng 5/2016, tại đập chứa nước Vài Cà, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng khiến một em học sinh lớp 9 tử vong, rất may mắn 2 học sinh bị chìm theo được các bạn cùng lớp cứu kịp thời. Theo thống kê của các ngành chức năng, tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ đuối nước ở trẻ em và có 2 em bị chết đuối. Cả 2 vụ đuối nước trên, nạn nhân đều không biết bơi.
Chị Hà Thị Chinh, thôn Làng Muồng, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng cho biết: Nhà tôi có 2 con nhỏ, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình nên tôi phải đi làm thuê xa nhà, các con được nghỉ hè lại thiếu chỗ vui chơi nên thường ra chơi tại các ao, hồ nước nên rất nguy hiểm. Nếu như có các khu vui chơi, giải trí an toàn cho các cháu chơi thì chúng tôi yên tâm hơn.
Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã xảy ra các vụ tai nạn do đuối nước nghiêm trọng đối với học sinh và trẻ em làm lo lắng, bất an cho các gia đình và toàn xã hội. Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết trên địa bàn tỉnh hằng năm thường có trẻ em đuối nước tại các khu vực như: dọc sông Thương chảy qua địa bàn xã Quang Lang, xã Chi Lăng; đập chứa nước Vài Cà, xã Gia Lộc (Chi Lăng); Thác Long Đầu, xã Yên Khoái (Lộc Bình); đập chứa nước xã Vũ Lăng (Bắc Sơn) và các xã ven sông Kỳ Cùng chảy qua các huyện: Tràng Định, Văn Lãng, thành phố Lạng Sơn… Các điểm này chưa có sự quản lý chặt chẽ, đầu tư cầu kiên cố, đại đa số là cầu ngầm tràn hoặc phải qua các đoạn sông bằng bè mảng tự chế nên tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng đối với trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Kim Quy, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết: Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”, trong đó phòng chống đuối nước cho trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, ngành chức năng tập trung triển khai các hoạt động liên quan. Tại Lạng Sơn, hằng năm, Sở LĐTB&XH, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động phòng tránh tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước như: mở các lớp dạy bơi, sơ cấp cứu, tích cực tuyên truyền trong nhà trường, khu dân cư; triển khai các hoạt động nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, các hoạt động mới tập trung tại các thành phố, thị trấn nơi tập trung đông dân cư. Do vậy, để tăng cường nhận thức cho cộng đồng về phòng tránh đuối nước ở trẻ em, năm 2016, Sở LĐTB&XH sẽ rà soát các hệ thống bể bơi tại các huyện, thành phố, từ đó mở lớp dạy bơi cho trẻ em.
Hiện nay, cơ bản các trường học trên địa bàn đã cho học sinh nghỉ hè, bàn giao trẻ về địa phương sinh hoạt. Thời gian nghỉ hè cũng là lúc các em mong đợi nhất, là lúc để các em vui chơi, giải trí, phát triển thể lực sau một thời gian vất vả học tập, rèn luyện. Việc đảm bảo cho trẻ có một sân chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích là nhiệm vụ và cần sự chung tay của các cấp, ngành và nhân dân quan tâm, thực hiện để phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước ở trẻ em.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()