Tăng cường tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá
LSO-Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó 80% số ca tử vong sớm là ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Bác sỹ Bệnh viện Đa Khoa tỉnh tuyên truyền cho bệnh nhân không được hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện |
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, khoa học đã chứng minh, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc hại, trong đó có khoảng 70 chất là tác nhân gây bệnh ung thư. Hút thuốc lá nhiều có thể bị hỏng hệ hô hấp, dẫn đến ho, khó thở, tức ngực, gây rỗ phổi, ung thư phổi.
Xác định công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá (THTL) giữ vai trò quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ của người dân đối với hành vi hút thuốc lá, hằng năm, Ban Chỉ đạo phòng chống THTL của tỉnh đã tăng cường tuyên truyền tác hại của việc hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đối với sức khỏe con người. Đồng thời chú trọng phổ biến các quy định của pháp luật về phòng chống THTL, hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc.
Ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền phòng chống THTL được các ngành thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đa dạng cả về hình thức và nội dung. Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh phát và đăng tải 5 phóng sự, 63 tin, bài kèm hình ảnh minh họa về tác hại của thuốc lá; tổ chức các cuộc mít tinh nhân ngày Thế giới không thuốc lá, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá; tuyên truyền lồng ghép ở các xã phường được 70 buổi, phát được 3.200 tờ rơi; treo 168 băng rôn, chữ điện tử tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Đặc biệt, các sở, ngành, hội, đoàn thể, các đơn vị, trường học đã tổ chức nói chuyện trực tiếp 889 lần tới cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, giải đáp việc thực thi các quy định của pháp luật về phòng chống thuốc lá với gần 150 nghìn lượt người nghe.
Hiện tại, 100% cơ sở y tế, trường mầm non, trường tiểu học đều đã xây dựng môi trường không khói thuốc và duy trì hiệu quả. Nếu như trước đây, tại các khuôn viên bệnh viện, sân trường mầm non, chúng ta dễ dàng bắt gặp người hút thuốc lá thì hiện tại hình ảnh đó hầu như không còn.
Ông Phạm Văn Thịnh cho biết thêm: Qua kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về phòng chống THTL cho thấy, công tác phòng chống THTL trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người được nâng lên, tỷ lệ người hút thuốc lá trong cơ quan, đơn vị giảm. Tuy nhiên, vẫn nhiều cơ quan, đơn vị còn tình trạng cán bộ, công chức và người dân hút thuốc lá tại nơi làm việc. Nhiều người dân đã nhận thức được tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng nhưng chưa quyết tâm bỏ hoặc giảm hút thuốc lá. Tình trạng hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ có thai vẫn còn. Hoạt động tuyên truyền phòng chống THTL ở những nơi công cộng như: bến xe, chợ, hàng quán chưa được triển khai mạnh.
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng chống THTL, Ban Chỉ đạo phòng chống THTL tỉnh yêu cầu các ngành thành viên, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng; tiếp tục tổ chức nhân rộng mô hình cơ quan, đơn vị không khói thuốc. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát nghiêm túc việc thực thi pháp luật về phòng chống THTL; xử lý, chấn chỉnh kịp thời đối với những hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống THTL.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()