Tăng cường tư vấn cai nghiện thuốc lá
– Bên cạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, những năm qua, ngành y tế tỉnh cũng đã quan tâm đến việc tổ chức tư vấn cai nghiện thuốc lá cho những người có nhu cầu cai thuốc. Qua đó, góp phần thực hiện môi trường không khói thuốc.
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đến bệnh nhân
Trong thuốc lá có chứa chất gây nghiện Nicotin, chất này mang lại cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ cho người hút. Chính vì vậy, khi người hút thuốc lá nghiện chất Nicotin có trong thuốc thì việc từ bỏ thuốc lá là điều không dễ dàng. Mặc dù tỉnh Lạng Sơn chưa có cơ sở cai nghiện thuốc lá, song trong những năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện các hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá như: tổ chức các hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế; nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sĩ, tư vấn viên trong các bệnh viện về tác hại thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá; truyền thông về tác hại của thuốc lá và lợi ích của cai nghiện thuốc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…
Theo đó, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá tại 215 cơ sở khám chữa bệnh cho trên 3.500 trường hợp. Bác sĩ Phương Văn Hưởng, Trưởng Khoa Bệnh phổi, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Khoa Bệnh phổi hiện đang điều trị cho trên 70 bệnh nhân nội trú và gần 700 bệnh nhân ngoại trú. Trong số các bệnh nhân đang điều trị nội trú có gần 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có tiền sử hút thuốc lá. Để tuyên truyền cho bệnh nhân về tác hại của thuốc lá, đồng thời hỗ trợ tư vấn cai thuốc, hằng ngày, trong các hoạt động thăm bệnh, y, bác sĩ thường xuyên tuyên truyền bệnh nhân cần phải cai thuốc để góp phần cải thiện tình trạng bệnh. Đối với bệnh nhân ngoại trú đang hút thuốc, chúng tôi tích cực hỏi thăm trong các đợt khám định kỳ hoặc gọi điện để tư vấn việc cai thuốc lá… Qua đó, có khoảng 30% bệnh nhân điều trị tại khoa đã quyết tâm và cai được thuốc lá, trong đó có một số bệnh nhân hút thuốc lá từ 40 đến 50 năm đã cai thành công.
Để nâng cao hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về cai nghiện thuốc lá. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm, các cơ sở y tế đã cử trên 10 lượt cán bộ tham gia đào tạo về công tác cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để hướng dẫn người nghiện thuốc lá có nhu cầu cai thuốc lá… Bác sĩ Hoàng Đình Hoà, Trưởng Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình cho biết: Năm 2022, tôi được tham gia lớp tập huấn về kinh nghiệm tư vấn và điều trị nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi được tập huấn, tôi đã thường xuyên tư vấn và hỗ trợ những bệnh nhân có nhu cầu cai thuốc lá. Việc cai thuốc lá đòi hỏi người nghiện thuốc cần có quyết tâm cao. Bởi khi bắt đầu bỏ thuốc, người nghiện thuốc sẽ gặp phải một số dấu hiệu do việc thiếu thuốc gây ra như: mệt mỏi, căng thẳng, khó ngủ, mất tập trung… Để vượt qua tình trạng này, người cai thuốc cần chuẩn bị sẵn một số thứ thay thế thuốc lá để sử dụng khi có dấu hiệu “thèm thuốc” như: hạt dưa, hạt hướng dương, kẹo cao su… Ngoài ra, việc cai thuốc cũng cần sự động viên, khích lệ của gia đình, bạn bè, lời khuyên của bác sĩ…
Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể, song, việc tư vấn cai nghiện thuốc lá đã góp phần không nhỏ giúp nhiều trường hợp trong đó có những người nghiện thuốc lá lâu năm quyết tâm cai thuốc. Từ đó, tỷ lệ người cai thuốc thành công và không tái nghiện ngày càng tăng cao. Đơn cử như tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, tỷ lệ những bệnh nhân cai thuốc thành công sau khi được tư vấn đạt từ 25 đến 30%.
Ông Nguyễn Công Tiến, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định chia sẻ: Từ khi mới 18 tuổi, tôi đã bắt đầu hút thuốc với tần suất 1 bao/ngày. Tháng 5/2022, tôi bị ho dài ngày, khó thở nên đã đến bệnh viện khám sàng lọc và phát hiện bản thân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Sau đó, tôi được các bác sĩ khuyên nên bỏ thuốc lá, sau gần 50 năm hút thuốc, đến giờ tôi đã cai thuốc lá thành công. Sau khi cai thuốc lá, tôi thấy ăn ngon, ngủ ngon hơn và tăng cân, sức khoẻ được cải thiện đáng kể. Giờ hít phải khói thuốc thì tôi thấy rất khó chịu.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian tới, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn cai nghiện thuốc lá. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại cộng đồng, đồng thời giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra…
Ý kiến ()