Tăng cường trấn áp tội phạm công nghệ cao
Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường trấn áp, xử lý nghiêm, nhưng hoạt động của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với những thủ đoạn, chiêu thức ngày càng tinh vi hơn. Đã có nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao với số tiền bị lừa lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ngay trong những ngày đầu năm mới 2025, Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của chị L.P.D, 30 tuổi, trú tại phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long về việc chị bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.
Theo lời khai của chị D. do có nhu cầu tìm việc làm nên chị D. đã sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook để đăng tin tìm việc làm lên một số Fanpage tuyển dụng việc làm và gặp một đối tượng tự xưng là nhân viên Phòng Hành chính nhân sự, Hội sở Ngân hàng Vietcombank hứa bố trí phỏng vấn trực tuyến để tuyển nhân sự vào làm việc tại vị trí nhân viên hành chính.
Sau khi được đối tượng gọi điện thoại và hướng dẫn, chị D. đã tham gia vào một nhóm trên ứng dụng Microsoft Teams để thực hiện phỏng vấn. Sau khi được vào nhóm, chị D. được một số tài khoản trong nhóm nhắn tin hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giao dịch bằng tiền để làm căn cứ xét tuyển đồng thời hứa hẹn sẽ có tiền hoa hồng. Sau đó, chị D. được những người này hướng dẫn truy cập vào trang web "duanvcb.vietcombankhr.com" để đăng ký tài khoản làm việc. Tin tưởng các đối tượng, chị D. đã nhiều lần chuyển tiền đến hai số tài khoản mang tên Công ty TNHH Ly Thanh Tai mở tại Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (BIDV) và tài khoản mang tên Công ty TNHH THU NHAN mở tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.
Đến ngày 17/2, chị D. làm thao tác rút tiền về tài khoản cá nhân không thành công nên nhắn tin lên nhóm Microsoft Teams hỏi thì được hướng dẫn phải nạp thêm tiền để hợp thức hóa số tiền đã nạp thì mới rút ra được. Nghi vấn mình bị lừa đảo nên chị D. đã đến trình báo tại Phòng Cảnh sát hình sự.
Trước đó, với thủ đoạn mời gọi đầu tư để nhận hoa hồng cao, đánh vào lòng tham, sự chủ quan, thiếu hiểu biết của một số người dân khi bị các đối tượng mời gọi tham gia các gói du lịch, dịch vụ do chúng lập ra, cuối năm 2024, bà T.T.H, 56 tuổi, trú tại thành phố Uông Bí cũng bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng bằng thủ đoạn mời gọi đầu tư trực tuyến tiền ảo trên ứng dụng Telegram. Đến đầu tháng 1/2025, do cần tiền chi tiêu Tết Nguyên đán nên bà H. làm thủ tục rút tiền thì thấy tài khoản bị khóa, kiểm tra nhóm đầu tư trên Telegram thì thấy nhóm không còn tồn tại, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà H. đã đến trình báo tại cơ quan công an.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Lợi dụng vào tâm lý hám lợi của bị hại, thích có việc nhẹ lương cao hoặc ngại ra ngoài nhưng lại muốn có thu nhập, cộng thêm việc bị hại sử dụng điện thoại truy cập internet rất nhiều trong cùng một khoảng thời gian, thí dụ trong một ngày, một tuần thì thời lượng truy cập rất nhiều thế nên các đối tượng càng có thêm cơ hội để tiếp cận. Bên cạnh các chiêu trò lợi dụng lòng tham của bị hại, kêu gọi tham gia vào các hoạt động đầu tư không có thật, hiện nay tình trạng các đối tượng lừa đảo mạo danh các cơ quan, tổ chức gọi điện tiếp cận người dân để lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp".
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các sàn đầu tư tài chính điện tử, không ít người nhẹ dạ, với suy nghĩ không cần lao động vất vả vẫn có thể có thu nhập cao, đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng và chủ yếu liên quan thủ đoạn lừa đảo thông qua các chiêu trò kêu gọi đầu tư trên không gian mạng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội gần đây đã bắt khẩn cấp hai kẻ cầm đầu Công ty Tâm Lộc Phát tại Hà Nội để điều tra xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ việc này có nhiều người dân sinh sống, làm việc tại Quảng Ninh tin vào những lời đường mật và mức lợi tức lên đến 40.000 đồng trên 1 triệu đồng một ngày, đã tham gia đầu tư vào công ty này. Thế nhưng, thay vì nhận được lợi tức thì những người này đang đứng trước nỗi lo mất trắng khoản đầu tư vào công ty này. Hiện, Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục phối hợp Công an thành phố Hà Nội để điều tra làm rõ. Qua vụ việc này một lần nữa tiếp tục rung lên hồi chuông cảnh báo người dân hãy thận trọng với các thủ đoạn lừa đảo có vỏ bọc là hợp tác kinh doanh với lãi suất cao bất thường.
Thượng tá Lê Hữu Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết: "Các đối tượng lừa đảo đã đánh vào lòng tham và sự tiếc của, muốn lấy lại tiền đã bị lừa đảo, nhiều người đã bị lừa lại tiếp tục bị lừa tiếp. Vì vậy, cơ quan công an khuyến cáo người dân là hầu hết các trang mạng quảng cáo lấy lại tiền lừa đảo là thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng".
Có thể thấy, điểm chung của các vụ việc này là tội phạm lừa đảo có nhiều thủ đoạn tinh vi, với nhiều kịch bản được chuẩn bị công phu. Ban đầu, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để đăng các thông tin về đầu tư chứng khoán, đầu tư tài chính thu về lợi nhuận cao, khi nạn nhân muốn tìm hiểu để đầu tư thì chúng kết bạn và nhắn tin nói chuyện, ban đầu chúng sẽ tâm sự tìm hiểu hoàn cảnh của nạn nhân để tạo kịch bản phù hợp để lừa đảo, một số trường hợp chúng sẽ nói chuyện tâm sự tình cảm, đồng cảm với hoàn cảnh của nạn nhân hoặc chúng tìm hiểu về hoàn cảnh kinh tế của nạn nhân, nắm bắt được việc nạn nhân đang gặp khó khăn về kinh tế cần một khoản tiền lớn một cách dễ dàng... Sau đó mời nạn nhân tham gia vào các hội nhóm trên Telegram, Zalo, Messenger... do chúng lập ra, trong các hội nhóm này các tài khoản Telegram, Zalo, Messenger do chúng tự tạo sẽ khoe khoang việc đầu tư vào sàn chứng khoán thu về số tiền cao để thu hút nạn nhân tham gia hoặc rủ nạn nhân góp vốn đầu tư. Khi nạn nhân cắn câu, đầu tư số tiền lớn chúng sẽ chủ động đánh sập hệ thống, cắt đứt liên lạc để chiếm đoạt tài sản.
Trước tình trạng các vụ lừa đảo trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức và kiến thức trong việc bảo mật thông tin, tránh để lộ các thông tin cá nhân như: căn cước công dân, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán... khi tham gia mạng xã hội, sử dụng internet; vì đây chính là những kẽ hở để tội phạm công nghệ cao lợi dụng lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của người dân.

Ý kiến ()