Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong chống buôn lậu, hàng giả
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là việc sản xuất, buôn bán sản phẩm thiết bị, vật tư y tế.
Sáng 14/10, tại Hà Nội, Hội nghị giao ban quý 3 năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh – Trưởng ban Chỉ đạo.
Báo cáo kết quả công tác quý 3 và phương hướng nhiệm vụ quý 4 năm 2021 của Ban Chỉ đạo, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, trong 9 tháng qua, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, không khan hiếm; thị trường cung ứng đầy đủ phục vụ nhu cầu của người dân.
Hoạt động kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu điện… diễn ra phổ biến và được lựa chọn nhiều trong bối cảnh dịch COVID-19.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là việc sản xuất, buôn bán sản phẩm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch COVID-19 không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong thị trường nội địa, để phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả, các đơn vị chức năng siết chặt quản lý biên giới, cửa khẩu, do đó hàng lậu, hàng cấm, hàng giả đưa vào nội địa giảm, nhưng hoạt động sản xuất, buôn bán các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế và liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 không rõ nguồn gốc có chiều hướng gia tăng.
Bằng nhiều phương thức, thủ đoạn, tại các địa bàn tỉnh biên giới giáp ranh, các đối tượng sử dụng xe ôtô, xuồng máy hoặc mang vác, vận chuyển trái phép qua biên giới. Một số đối tượng đặt sản xuất hàng giả, giả nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập lậu về tiêu thụ trong nước, phổ biến là sử dụng mạng Internet để thực hiện giao dịch mua bán. Tại điểm bán hàng, hàng thật và hàng giả được trưng bày lẫn lộn để đánh lừa người tiêu dùng và đối phó với lực lượng chức năng.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, một phương thức mới mà các đối tượng sử dụng là lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh” để vận chuyển, mua bán trái phép hàng lậu, hàng cấm.
Nhiều đối tượng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro, thông thoáng trong hoạt động xuất, nhập khẩu để không khai báo, khai báo không đúng với hàng hóa thực nhập để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện; móc nối, cấu kết với một số cán bộ, công chức, sỹ quan tha hóa, biến chất để “làm ngơ,” “bảo kê” khi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm…
Các mặt hàng nhập lậu, làm giả, nhái chủ yếu là vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch như khẩu trang, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, que test COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng…
Cùng với đó là các mặt hàng thuốc lá điếu, nguyên liệu thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, nguyên liệu thuốc đông y, dược liệu, than, xăng dầu; sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm; ma túy và các sản phẩm từ ma túy…
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tham mưu, chỉ đạo, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị và các kế hoạch về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo xử lý những vụ việc nổi cộm, phức tạp, được dư luận quan tâm. Nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã được đưa ra, từ đó, phát hiện được nhiều vụ vi phạm, triệt phá những đường dây ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Tính đến hết tháng 9/2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100 nghìn vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7,5 nghìn tỷ đồng; khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, 9 tháng qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã đạt được nhiều kết quả. Một nguyên nhân khách quan là do dịch COVID-19, nhiều nơi phải tiến hành giãn cách xã hội.
Cùng với đó là sự quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc đấu tranh để làm giảm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, công tác này vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Một số địa phương chưa chỉ đạo sát sao, lực lượng chưa làm tốt quản lý địa bàn, đối tượng. Đặc biệt, thời gian qua có một số vụ việc gian lận, buôn lậu hết sức tinh vi.
“Một số nơi còn có sự nể nang, bao che, thậm chí có bảo kê của một số người có trách nhiệm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, cơ quan trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là rất quan trọng. Việc này cần được thực hiện hiệu quả, trong đó, tăng cường chia sẻ thông tin giám sát các hoạt động trong các lĩnh vực giao thông, hải quan, quản lý thị trường, thuế…
Về nhiệm vụ thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, từ nay tới cuối năm, khi mở cửa trở lại, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, các nhu cầu về nguyên, vật liệu sản xuất hàng hóa, nhu cầu phục vụ đời sống xã hội của nhân dân đều tăng lên, đặc biệt là dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Do đó, có thể xảy ra tình trạng các đối tượng gia tăng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị; trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Liên quan tới vấn đề thể chế, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan rà soát các văn bản, quy định để có những đề xuất, kiến nghị bổ sung cho phù hợp, tránh chồng chéo, nhiều văn bản nhưng vẫn có những lỗ hổng trong công tác quản lý hàng hóa.
Phó Thủ tướng yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành động, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; đặc biệt là liên quan đến đời sống và sức khỏe người dân như vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; sản phẩm hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của người dân từ nay đến cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các lực lượng xây dựng kế hoạch chuyên đề liên quan đến các nhóm mặt hàng đang tăng giá như xăng dầu, khoáng sản, nguyên, vật liệu phục vụ cho quá trình tái khởi động nền kinh tế; các mặt hàng phổ biến như mía đường, thuốc lá…, các mặt hàng dễ làm giả…
Nêu rõ, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác phòng, chống gian lận thương mại điện tử, Phó Thủ tướng lưu ý: “Cần hết sức quan tâm đến vấn đề gian lận trên môi trường không gian mạng. Vừa qua, chúng ta đã phát hiện nhiều kho hàng bán online nhưng không kiểm soát được việc truy xuất nguồn gốc cũng như chất lượng hàng hóa. Do đó, cần có các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, kiểm soát, phát hiện vụ việc trên không gian mạng.”
Một vấn đề nữa cũng được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề cập, đó là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cũng như các vụ việc vi phạm tới cộng đồng, từ đó thể hiện tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật./.
Ý kiến ()