Tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chủ động trong hoạt động của Quốc hội
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội, xem đây là văn bản có ý nghĩa rất quan trọng quyết định nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu thực tiễn, đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với nhân dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội, xem đây là văn bản có ý nghĩa rất quan trọng quyết định nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu thực tiễn, đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với nhân dân.
Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ đồng tình với những đánh giá nêu trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày. Các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội; tán thành mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo nghị quyết.
Tham gia phát biểu, đề cập yêu cầu mở rộng dân chủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ đề ra yêu cầu đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng thực tế các kỳ họp từ trước đến nay cách thức thực hiện, áp dụng nội quy kỳ họp đã thể hiện việc mở rộng dân chủ như thế nào, định hướng cải tiến, đổi mới thời gian tới ra sao? Ðề cập tính chủ động thích ứng của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vấn đề cần quan tâm không chỉ là hoạt động của Quốc hội chủ động thích ứng với dịch Covid-19, mà còn đáp ứng những yêu cầu lớn, cấp thiết của cuộc sống để tổ chức các hình thức họp bất thường phù hợp. Mặc dù nghị quyết đã được xây dựng rất công phu, tâm huyết, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, chắc chắn, lập luận thuyết phục và đi vào những vấn đề lớn mang tính căn cơ.
Nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến chung quanh dự thảo nội quy quy định đại biểu Quốc hội không được chất vấn quá hai lần, trong khi Quốc hội đã và đang hướng đến sự tăng cường tranh luận. Mặt khác, làm thế nào để quyền phát biểu của đại biểu mà không ảnh hưởng công tác điều hành kỳ họp. Về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giữ quy định hiện hành là không quá 7 phút nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội chủ động trong việc chuẩn bị nội dung phát biểu, có đủ thời gian để phân tích, trình bày lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình. Trong khi đó có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút để giúp mỗi phiên họp có nhiều đại biểu Quốc hội được tham gia phát biểu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, trước đây, thời gian phát biểu của đại biểu từng được quy định là 20 phút, hiện vẫn nên giữ 7 phút. Ðại biểu tại hội trường nếu đăng ký mà không còn thời gian phát biểu sẽ gửi ý kiến cho Ðoàn Thư ký tổng hợp. Bày tỏ đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Ðắc Vinh cho rằng, có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận, với trường hợp các đại biểu là chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trực tiếp tiếp thu, nghiên cứu và hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết, tiếp tục xin ý kiến để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4; Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thẩm tra chính thức dự thảo Nghị quyết về nội dung nêu trên trình Quốc hội.
Dự thảo Nội quy về cơ bản có bố cục tương tự Nội quy hiện hành, gồm 3 chương với 62 điều. Trên cơ sở thực tiễn thực hiện và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, bổ sung Nội quy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 25 vấn đề mới để sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 (cụ thể bổ sung 6 điều, sửa đổi 43 điều và kế thừa nguyên văn 13 điều như quy định hiện hành); và đề nghị hình thức văn bản là nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) để dễ theo dõi.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ nhấn mạnh, hai dự án này đều là dự án quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; là các dự án quan trọng quốc gia, vì thế chuẩn bị phải kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ căn cứ ý kiến của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến thảo luận tại phiên họp để nghiên cứu tiếp thu giải trình, trình Quốc hội phải bảo đảm tính khả thi và thống nhất cao.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi xem xét đã biểu quyết thông qua việc thành lập thị trấn Phương Sơn thuộc huyện Lục Nam và thành lập thị trấn Bắc Lý thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Ý kiến ()