Tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản
Nhận lời mời của Thủ tướng Nội các Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 đến ngày 18/9/2015. Chuyến thăm là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2015 nhằm chủ động triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đưa các mối quan hệ với các đối tác lớn đi vào chiều sâu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong |
Nhật Bản có nền kinh tế thị trường phát triển, tính đến quý I năm 2015, quy mô GDP của Nhật Bản đạt trên 4.210 tỷ USD, đứng thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc; GDP bình quân đầu người đạt 33.223 USD. Nhật Bản có ưu thế về công nghệ tiên tiến, nguồn vốn dồi dào, kỹ năng quản lý và lực lượng lao động tay nghề cao, đội ngũ trí thức đông đảo. Trong các ngành kinh tế, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm tới hơn 71%, công nghiệp chiếm 27,5% và nông nghiệp ở mức 1,2%.
Tháng 12/2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã triển khai chính sách kinh tế Abenomics với ba mũi tên gồm: nới lỏng tín dụng, tăng chi tiêu công và tái cấu trúc nền kinh tế. Đáng chú ý, vào tháng 6/2014, nhằm duy trì đầu tư và tăng trưởng khu vực tư nhân, Chính phủ Nhật bản đã thông qua Chiến lược tăng trưởng kinh tế mới trên cơ sở mũi tên thứ ba thông qua một loạt cải cách cơ cấu, bao gồm: Giảm thiểu các quy định, cải cách thị trường lao động và tiến hành các biện pháp khôi phục kinh tế địa phương.
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 9 năm 1973. Năm 2002, hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Năm 2006, hai nước nhất trí “hướng tới xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược” nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Năm 2009, hai nước nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần thứ hai của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Vào tháng 3/2014, hai nước nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trong những năm qua, quan hệ tin cậy chính trị giữa hai nước được củng cố và tăng cường, ngày càng đi vào thực chất, trên cơ sở lợi ích chiến lược tương đồng. Hai bên duy trì thường xuyên và hiệu quả các chuyến thăm, trao đổi cấp cao và các cấp, ngành, địa phương… dưới nhiều hình thức phong phú và linh hoạt.
Thủ tướng Abe chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2013. Hai bên duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại giữa hai nước gồm: Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch; Đối thoại Đối tác chiến lược Việt-Nhật cấp Thứ trưởng Ngoại giao; Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng; Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 2, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Nhật Bản xác định quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam là trọng tâm trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước.
Năm 2014, Nhật Bản là bạn hàng thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 27,612 tỷ USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,704 tỷ USD, nhập khẩu đạt 12,908 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều 6 tháng đầu năm 2015 đạt 13,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 6,67 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,25 tỷ USD. Trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 7 vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng hai nước nhất trí cơ bản kết thúc đàm phán song phương trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Về đầu tư, lũy kế đến hết tháng 6/2015, Nhật Bản xếp thứ hai (sau Hàn Quốc) trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức 37,7 tỷ USD, xếp thứ hai về số dự án (sau Hàn Quốc) với 2.661 dự án và xếp thứ nhất về tổng vốn thực hiện, đạt mức 12,1% tỷ USD.
Có thể nói Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2013, Nhật Bản đã cam kết khoảng 26,1 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam. Trong tài khóa 2014, ODA Nhật Bản cam kết cho Việt Nam đạt khoảng 112,414 tỷ Yên (khoảng 0,95 tỷ USD); giải ngân ODA của Việt Nam (không kể các khoản vay chương trình hỗ trợ ngân sách) đạt 22%, tương đương 147 tỷ Yên, đứng thứ 2 (sau Ấn Độ) trong số các nước sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 7 vừa qua, Nhật Bản cam kết xem xét tích cực việc cung cấp 3 tỷ USD ODA cho năm tài khóa 2015 đối với 9 dự án hợp tác trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, đào tạo, phát triển nhân lực, ứng phó biến đổi khí hậu…
Hợp tác nông nghiệp có bước đột phá với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác với Bộ Nông Lâm Thủy sản của Nhật Bản và tỉnh Ibaraki (3/2014). Hai bên đang xây dựng “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản” nhằm phát triển hơn nữa ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua hợp tác trong các lĩnh vực: Nâng cao năng suất, giá trị gia tăng; Chế biến thực phẩm, phát triển sản phẩm; Xem xét cân nhắc tới biến đổi khí hậu và Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện nay, khoảng 35.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập nâng cao tay nghề tại Nhật Bản trong các lĩnh vực. Số lượng thực tập sinh Việt Nam không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực với các đối tác Nhật Bản, bao gồm nâng cấp các trường đại học Việt Nam, đào tạo nhân lực, hợp tác xây dựng Đại học Việt-Nhật. Tổng số lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Nhật Bản hiện có hơn 14.700 người. Đại học Việt-Nhật được thành lập từ tháng 7/2014, xây dựng tại Hòa Lạc, sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản.
Số lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam tăng đều trong những năm qua. Năm 2014, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 647.956 lượt, đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc); khách du lịch Việt Nam sang Nhật Bản đạt 120.000 lượt khách.
Hợp tác giữa các địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Đến nay đã có nhiều tỉnh của Nhật Bản và Việt Nam ký văn bản hợp tác (Thành phố Hồ Chí Minh – Osaka; Đà Nẵng – Sakai; Hà Nội – Fukuoka; Nam Định – Ibaraki…). Hà Nội đã thiết lập quan hệ với Thủ đô Tokyo, tỉnh Fukuoka, tỉnh Saitama. Tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Ban Chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nội dung hợp tác với Nhật Bản, từng bước tiến đến hợp tác với tỉnh Kanagawa hoặc một tỉnh khác có điều kiện tương đồng.
Hiện có 85.000 người Việt Nam tại Nhật Bản và 11.200 người Nhật Bản tại Việt Nam. Giao lưu nhân dân, văn hóa… giữa hai nước được tiến hành sôi nổi, nhất là trong Năm Hữu nghị Việt-Nhật 2013. Hội Hữu nghị Việt – Nhật tiếp tục mở rộng hoạt động.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” với trọng tâm là tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()