Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số
(LSO) – Việc thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2025” đã góp phần tích cực trong công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tiếng Việt vừa là môn học cơ bản, vừa là môn học công cụ để học sinh tiếp thu tri thức và kỹ năng của các bộ môn khác trong chương trình giáo dục. Tuy nhiên, do sự chi phối của nhiều yếu tố khác nhau, mà chất lượng học tiếng Việt của học sinh vùng DTTS chưa cao, bởi vậy, việc thực hiện đề án tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS được triển khai trên địa bàn tỉnh góp phần bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.
Học sinh Trường Tiểu học I, xã Thái Bình, huyện Đình Lập trong giờ ôn luyện tiếng Việt
Trên cơ sở đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị trường học nâng cao chất lượng học tập đối với học sinh DTTS thông qua việc tạo môi trường tiếng Việt cho học sinh mọi lúc, mọi nơi; tăng cường thời lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh; các trường tiểu học thực hiện dạy chương trình Tiếng Việt lớp 1 linh hoạt, phù hợp với điều kiện nhà trường. Đối với cấp mầm non chú trọng xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt, phân loại khả năng tiếng Việt của từng đối tượng trẻ để có phương pháp, nội dung tăng cường tiếng Việt phù hợp, thiết thực; xây dựng môi trường chữ viết bằng tiếng Việt phong phú, đa dạng trong các lớp mầm non; xây dựng các góc thư viện trong lớp, thiết kế thư viện ngoài trời, để trẻ làm quen với chữ viết và đọc sách.
Thầy giáo Lý Văn Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS xã Văn An, huyện Văn Quan cho biết: Đối với các em học sinh mới bước vào lớp 1, để các em làm quen với môi trường học tập và nhất là làm quen với môn tiếng Việt, hằng năm, nhà trường tuyên truyền đến các bậc phụ huynh có con mới vào lớp 1 về việc tăng cường vốn tiếng Việt cho con em mình. Đồng thời tổ chức nhập học sớm để ôn tập, giúp các em chuẩn bị tốt nhất hành trang khi bước vào chương trình học chính thức.
Cùng đó, ngành chú trọng tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt như: bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người DTTS.
Cô giáo Nông Thùy Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Nhà trường đóng trên địa bàn xã khó khăn, có nhiều điểm trường ở các thôn chủ yếu là con em DTTS, môi trường học tiếng Việt hạn chế. Do đó để giúp các em có môi trường học tiếng Việt hiệu quả, với các bộ đồ dùng, học liệu được cấp, nhà trường đã bố trí thành các góc học tập theo chủ đề với các đồ dùng minh họa có bảng biểu, chữ cái để các em làm quen và nhận diện mặt chữ và dạy các em cách phát âm tiếng Việt.
Các hoạt động thiết thực đó đã góp phần nâng cao công tác giáo dục, đặc biệt là công tác phổ cập giáo dục ở vùng DTTS có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Đến nay, 223/226 xã, phường, thị trấn và 11/11 huyện, thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 226/226 xã, phường, thị trấn và 11/11 đơn vị huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Theo báo cáo khối phòng Giáo dục và Đào tạo, đầu năm học 2018 – 2019, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%; huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Ngoài ra, 100% các trường đều xây dựng được môi trường tăng cường dạy tiếng Việt, lồng ghép dạy tiếng Việt trong các hoạt động giáo dục trẻ; 100% trẻ DTTS được chuẩn bị tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1.
Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu của đề án; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có trẻ em người DTTS… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()