Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số
Giờ học tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Lao Chải, huyện Sa Pa (Lào Cai).
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), cả nước có hơn 4.000 trường mầm non có đông trẻ em là người dân tộc thiểu số (DTTS); hơn 42 nghìn nhóm lớp có trẻ em người DTTS với số trẻ em người DTTS đến trường là hơn 887 nghìn trẻ. Ðể nâng cao chất lượng, một số địa phương như Gia Lai, Lào Cai, Lâm Ðồng, Quảng Ninh… đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS.
Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Lào Cai Dương Bích Nguyệt cho biết: Khó khăn về giao tiếp tiếng Việt chính là rào cản lớn nhất của các trẻ dân tộc thiểu số khi vào lớp 1. Vì vậy, Sở GD và ÐT Lào Cai chỉ đạo các cơ sở giáo dục linh hoạt, sáng tạo thiết kế môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tạo điều kiện cho trẻ nhận biết và phát âm tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi bằng cách gắn chữ cái lên các thiết bị đồ chơi, đồ dùng… Tổ chức xây dựng không gian phòng học tại các lớp tiểu học giàu chữ viết tiếng Việt để giúp học sinh có nhiều cơ hội nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt, giúp các em có nhiều cơ hội và thuận tiện trong việc kết nối sử dụng tài liệu tiếng Việt trong học tập. Hiện nay, toàn tỉnh có 175 trường mầm non và 1.874 nhóm, lớp có trẻ dân tộc thiểu số được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi, đạt tỷ lệ 100%; 39.198 trẻ được phát triển kỹ năng nghe, nói tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục mầm non; trẻ 5 tuổi mạnh dạn, tự tin, chuẩn bị tốt tâm thế vào lớp 1.
Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Thừa – Thiên Huế Ðặng Phước Mỹ chia sẻ: Các trường mầm non tại tỉnh đã phát động phong trào sáng tác bài hát, câu đố, trò chơi,…để phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ DTTS; phối hợp hội phụ huynh, già làng, trưởng bản sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian như truyện thơ, sử thi, câu đố, các bài hát ru của người DTTS để dùng trong các trường mầm non. Ngành giáo dục tỉnh khuyến khích phụ huynh, các tổ chức đóng góp đồ dùng, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt địa phương để sử dụng trong hoạt động tăng cường tiếng Việt, giúp các em tự tin trong giao tiếp, mạnh dạn thể hiện ý kiến của mình trước thầy cô, bạn bè. Trong khi đó, coi tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Sở GD và ÐT tỉnh Ðác Lắc đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hơn 150 cán bộ quản lý và gần 500 giáo viên cốt cán, qua các buổi tập huấn, giáo viên có thêm hiểu biết về kiến thức, kỹ năng xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt và áp dụng vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ ở trường mầm non; tất cả các giáo viên chủ động, học tập, không ngừng nâng cao hiểu biết về chuyên đề. Nhiều địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.
Mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhưng do vốn tiếng Việt của học sinh DTTS còn ít cho nên trẻ còn nhút nhát, chưa mạnh dạn tham gia các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho trẻ còn hạn chế. Hầu hết các tỉnh đều thiếu giáo viên, vì thế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ và chất lượng tăng cường tiếng Việt. Cả nước có hơn 73 nghìn giáo viên mầm non dạy trẻ em người DTTS, trong đó, số giáo viên người DTTS trực tiếp dạy trẻ chỉ có gần 39 nghìn người. Nhiều giáo viên mầm non lúng túng trong việc lựa chọn nội dung và phương pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS, trong khi năng lực sư phạm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên người DTTS còn hạn chế. Công tác bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ của ngành giáo dục chưa thật sự hiệu quả, giáo viên còn máy móc, khó khăn trong thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Mặt khác, tỷ lệ trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp thấp, việc bảo đảm duy trì sĩ số và tỷ lệ chuyên cần chưa cao.
Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ GD và ÐT) Nguyễn Thị Hiếu cho biết: Một số tỉnh triển khai việc dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS còn chậm, chưa quan tâm bố trí nguồn lực và các giải pháp để thực hiện. Ðể tiếp tục triển khai dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS hiệu quả, các tỉnh, thành phố quan tâm xây dựng thư viện thân thiện phù hợp để khuyến khích phụ huynh cùng đọc sách với trẻ tại trường, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục rèn phát âm và khả năng nghe, nói bằng tiếng Việt cho trẻ, nhất là đối với trẻ thuộc nhóm dân tộc rất ít người, trẻ sống biệt lập tại các thôn, buôn, khu vực hẻo lánh ít được nghe nói tiếng Việt. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tài liệu, học liệu về tăng cường tiếng Việt cho cơ sở giáo dục mầm non, nhóm lớp có đông trẻ em người DTTS; tổ chức học hai buổi/ngày để trẻ có cơ hội tăng cường tiếng Việt. Ðáng chú ý, các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ và chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS theo quy định…
Ý kiến ()