Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số: Đa dạng cách làm ở Tràng Định
(LSO) – Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025” được triển khai trên địa bàn huyện Tràng Định thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Là một huyện vùng cao, biên giới, Tràng Định có 26 trường có lớp tiểu học, trong đó 1 trường vùng I; 11 trường vùng II và 14 trường vùng III. Năm học 2019 – 2020, toàn huyện có 5.116 học sinh tiểu học, trong đó có 96% (4.911 em) là người DTTS. Bà Nông Thúy Hiền, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tràng Định cho biết: Để thực hiện hiệu quả đề án này, giai đoạn 2016 – 2020, Phòng GD&ĐT huyện đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể, đã tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị giáo dục ưu tiên bổ sung cho các trường vùng khó; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiểu học về phương pháp, kỹ năng tổ chức hoạt động dạy học để tăng cường tiếng Việt phù hợp với học sinh người DTTS; tổ chức hội thảo chuyên đề về các mẫu bài dạy học tiếng Việt CGD (tiếng Việt công nghệ). Bổ sung đầu sách tiếng Việt cho thư viện các trường và yêu cầu các trường tổ chức tiết đọc thư viện. Yêu cầu các trường tổ chức nhiều hoạt động cho giáo viên, học sinh giao lưu tiếng Việt và phối hợp với cơ sở tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho các em tại khu dân cư.
Học sinh Trường Tiểu học Đề Thám (Tràng Định) trong giờ học tăng cường tiếng Việt
Cùng với những giải pháp trên, các trường học đã đưa chuyên đề giảng dạy “Em nói tiếng Việt” với 3 hoạt động chính: luyện nói, luyện nghe, thực hành hỏi – đáp để học sinh trải nghiệm. Tùy theo các chủ điểm, giáo viên sẽ chuẩn bị các hình ảnh, tranh vẽ, mô hình minh họa cho nội dung của bài giảng. Tiết học được tổ chức xen kẽ với các trò chơi, thi đọc thơ, thi hát, kể chuyện bằng tiếng Việt. Giáo viên cũng tương tác linh hoạt với học sinh, đặt ra các tình huống thực tế kích thích sự tò mò, khả năng tranh luận và phát biểu ý kiến của các em và theo dõi, lắng nghe phát âm tiếng Việt của học sinh, phát hiện những lỗi để hướng dẫn các em phân biệt, nhận biết và sửa lỗi.
Cô Nguyễn Thị Kiều Mỵ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Chí Minh cho biết: Trường có 100% học sinh người DTTS nên việc giao tiếp tiếng Việt của các em còn hạn chế. Để tăng khả tăng nói tiếng Việt của học sinh, ngay từ khi các em vào lớp 1, nhà trường đã tổ chức các tiết học, hoạt động để các em quen với tiếng Việt. Những năm qua, chất lượng giáo dục môn tiếng Việt của trường tương đối tốt với tỷ lệ học sinh hoàn thành môn tiếng Việt hằng năm luôn đạt trên 98%.
Không chỉ có thế, hằng năm, Phòng GD&ĐT huyện còn yêu cầu 100% trường học thực hiện dạy học tiếng Việt CGD; đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được tổ chức tham gia từ 1 đến 2 tuần làm quen đầu năm học với bộ môn tiếng Việt để sớm thích nghi với môi trường học tập mới; 100% học sinh được tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp trường; 100% trường học tổ chức cho học sinh tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp huyện…
Nhờ đa dạng hóa cách làm, đến nay, 100% học sinh từ khối 1 đến khối 5 trên địa bàn huyện đều được tăng cường tiếng Việt tích hợp trong các môn học và qua các hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm. Đó là cơ sở để ngành GD&ĐT huyện tiếp tục phát huy, đưa ra những giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa để tiếp tục nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trong những năm học tiếp theo.
Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 – 2020 định hướng đến năm 2025” được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016. Đến nay, 100% trường học từ cấp mầm non đến tiểu học của tỉnh đều xây dựng được môi trường tăng cường dạy tiếng Việt; 100% trẻ DTTS được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Tràng Định là một trong số các huyện thực hiện tốt đề án. |
Ý kiến ()