Tăng cường tiềm lực bảo đảm quốc phòng
(LSO) – Hơn 5 năm qua, thực hiện Đề án số 81/ĐA-UBND về bảo đảm quốc phòng của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác quốc phòng ngày càng được nâng lên, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Điểm nổi bật, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, tổ chức biên chế lực lượng vũ trang (LLVT) theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại” bảo đảm đúng quy định của Bộ Quốc phòng và Quân khu 1. Từ năm 2015 đến nay, đã sắp xếp, giải thể Trường Quân sự tỉnh; tái lập Tiểu đoàn 1; thành lập Đại đội Công binh; tổ chức lại, điều chuyển nhiệm vụ đối với Trung đoàn 123. Đồng thời, điều chuyển, bổ sung quân số kịp thời cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các huyện biên giới.
Lực lượng vũ trang quân sự tỉnh huấn luyện sử dụng súng máy phòng không
Đối với lực lượng dân quân tự vệ (DQTV), tiếp tục xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, hết năm 2020, lực lượng DQTV được xây dựng đạt tỷ lệ 2,4% dân số (tăng 0,4% so với năm 2015). Riêng lực lượng dự bị động viên thường xuyên được đăng ký, phúc tra, kiểm tra, sắp xếp hợp lý về số lượng, bảo đảm chất lượng, sẵn sàng bổ sung thực hiện các nhiệm vụ.
Đại tá Nguyễn Văn Hương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp và trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xử lý các tình huống, cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu, xây dựng, điều chỉnh bổ sung hoàn chỉnh các văn kiện, kế hoạch tác chiến, động viên quốc phòng, phòng không Nhân dân và phòng, chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức huấn luyện, diễn tập chặt chẽ, đúng quy định, sát thực tế chiến đấu, phù hợp với từng địa bàn. Các đơn vị tích cực đẩy mạnh các chế độ trực ban, trực chiến, trực phòng không, tổ chức luyện tập thành thạo các phương án, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng tác chiến, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Đi đôi với công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhằm đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh đã đầu tư trên 71 tỷ đồng xây dựng các khu căn cứ chiến đấu các cấp, cải tạo các hang động, làm đường giao thông trong khu căn cứ chiến đấu của các huyện, thành phố. Điển hình năm 2019, tỉnh đã đầu tư trên 52 tỷ đồng xây dựng, cải tạo đường cơ động và các công trình trong căn cứ chiến đấu, phục vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh và một số huyện. Hiện nay, sở chỉ huy ở khu căn cứ được đầu tư xây dựng với hệ thống công sự trận địa, hầm hào kiên cố đảm bảo yếu tố bí mật, an toàn, liên hoàn vững chắc, phục vụ tốt cho công tác chỉ huy, vận hành cơ chế và xử trí các tình huống khi có chiến tranh xảy ra.
Thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước đầu tư, xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ của tỉnh, huyện và thành phố, tạo thành thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng công trình quốc phòng trọng điểm trong căn cứ chiến đấu (phấn đấu đến năm 2025 cấp tỉnh hoàn thành đạt 90%, cấp huyện và thành phố đạt từ 50 đến 70%), góp phần phục vụ đắc lực cho công tác quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()