Tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác
Kinh tế tập thể (KTTT) với trọng tâm hoạt động của hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giúp các xã viên, thành viên tạo mối liên kết hợp tác, giảm chi phí đầu vào và nâng cao thu nhập trong sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, để hoạt động của HTX, THT ngày càng hiệu quả trên thực tiễn, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn tới.
Theo ThS. Nguyễn Văn Quý, Chuyên viên cao cấp, Vụ Nông nghiệp – Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, những năm qua, hoạt động của KTTT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KTTT, HTX ngày càng được nâng lên. Nhiều HTX, liên hiệp HTX mới được thành lập, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực; số HTX, THT tiếp tục tăng. Thu nhập bình quân của người lao động ở khu vực HTX nông nghiệp đạt từ 0,7-1,5 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân của người lao động ở khu vực HTX phi nông nghiệp đạt từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: VT) |
Nhìn chung, phần lớn các HTX duy trì hoạt động ổn định, tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động. Nhiều HTX, liên hiệp HTX tiếp tục được củng cố về công tác tổ chức, quản lý; hiệu quả hoạt động được nâng lên, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thành viên. Nhiều HTX đã mở rộng liên doanh, liên kết giữa HTX với HTX và với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhằm cung ứng vật tư, thực hiện các dịch vụ đầu vào cho thành viên.
Một số HTX đã mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh dịch vụ tổng hợp; đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Đã xuất hiện một số mô hình HTX trong các ngành nghề mới, một số HTX hoạt động trong lĩnh vực quản lý chợ, làng nghề, nhà ở, vệ sinh môi trường đồng thời tham gia tích cực vào chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HTX vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Cụ thể, trình độ đội ngũ cán bộ, xã viên HTX còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các HTX thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thiếu thông tin về các nguồn tài chính, tín dụng, chưa hiểu rõ quy trình, thủ tục, cách xây dựng các dự án để huy động nguồn vốn từ bên ngoài. Ngoài ra, các HTX chưa tạo được uy tín cao đối với các tổ chức tín dụng nên việc vay vốn thường gặp nhiều trở ngại hơn so với các doanh nghiệp. Trong khi đó, việc huy động vốn nội bộ của HTX gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn trong nội bộ xã viên có hạn.
Thêm vào đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý HTX và nhiều xã viên còn mơ hồ về các nguyên tắc, giá trị của HTX, đặc trưng của HTX kiểu mới, nhất là các quyền và nghĩa vụ của HTX, các quyền và nghĩa vụ của xã viên đối với HTX. Nhiều xã viên vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của HTX và của Nhà nước.
Cùng với đó, vẫn còn sự can thiệp quá sâu của chính quyền cơ sở vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, vì vậy, hạn chế tính tự chủ, sáng tạo của HTX. Phần lớn các THT tổ chức còn lỏng lẻo, hoạt động tự phát; một số địa phương thiếu quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của THT. Số HTX yếu, kém giảm chậm; lợi ích kinh tế do HTX mang lại cho thành viên và người lao động còn khiêm tốn. Nhiều HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, máy móc thiết bị cũ, sản xuất thủ công vẫn còn phổ biến; rất ít HTX đầu tư mới. Những khó khăn nội tại của HTX về vốn, cơ sở vật chất, trình độ cán bộ chậm được khắc phục. Sự liên kết, hợp tác của các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp HTX chưa được phát huy.
Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong thời gian tới, theo ThS. Nguyễn Văn Quý, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực. Thứ nhất, cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các quy định của Luật HTX 2012; các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các chính sách có liên quan nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về KTTT, HTX trong toàn xã hội.
Thứ hai, cần tăng cường hỗ trợ, tư vấn, phổ biến thông tin; đổi mới, chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ về tài chính tín dụng đảm bảo vốn sản xuất kinh doanh cho HTX. Nâng cao năng lực kinh doanh của các HTX, các thành viên, các hộ gia đình đảm bảo duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, đủ sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác trong nước và từng bước tham gia thị trường quốc tế.
Thứ ba, tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KTTT từ Trung ương đến địa phương; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp giữa bộ, ngành ở Trung ương và địa phương trong phát triển KTTT, HTX. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ HTX; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút lao động tạo sự phát triển bền vững cho khu vực KTTT, HTX. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực cho HTX cần tiến hành đồng bộ từ khâu tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt của HTX.
Thứ tư, cần rà soát, bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển KTTT. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX phải đảm bảo nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu thực tế ở địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng vùng, miền, không gò ép, đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ năm, cần rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của các THT, HTX và các mô hình liên kết nhằm tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng mô hình; nhân rộng các mô hình tổ chức KTTT, HTX điển hình. Tăng cường khuyến khích doanh nghiệp và HTX đầu tư vào công nghệ chế biến, tiêu thụ nông sản và các ngành nghề sử dụng nhiều lao động ở địa phương.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()