Tăng cường tận dụng các lợi thế từ FTA Việt Nam-Hàn Quốc
Thương mại hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng tăng trưởng mạnh nhờ những tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa hai nước. Để có góc nhìn rõ nét hơn về những tác động mà Hiệp định này mang lại sau hơn một năm chính thức có hiệu lực, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Han Dong Hee, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công Nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham).
Thưa ông, sau hơn một năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (FTA Việt Nam-Hàn Quốc) chính thức có hiệu lực, ông có thể khái quát tác động của nó đến tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước?
Ông Han Dong Hee: FTA Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực ngày 20/12/2015 đã làm mới lĩnh vực giao dịch điện tử, nới lỏng rào cản kỹ thuật trong thương mại, mở cửa hơn nữa cho thị trường dịch vụ. Trong hoàn cảnh nền kinh tế thế giới bị trì trệ do giá dầu quốc tế và giá nguyên vật liệu bị rớt giá thì sau một năm ký kết, FTA Việt Nam-Hàn Quốc đã cho thấy một tỉ lệ tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Trong vòng một năm qua, số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt hơn 5,5 tỷ USD, tương đương 36,3% tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới vào Việt Nam.
Từ năm 1988 đến tháng 6/2016, có tổng cộng 5.364 dự án đầu tư với số vốn hơn 48,5 tỷ USD và Hàn Quốc chiếm vị trí số 1 với tỉ trọng 17% trong tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
Dù trong thời kỳ nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm nhưng tính đến thời điểm tháng 10/2016, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đã tăng đồng loạt khoảng 13% và 28%, giao dịch thương mại giữa hai nước tăng gần 17%.
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp điện tử, các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đã mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác, vậy trong thời gian tới xu hướng này thế nào?
Ông Han Dong Hee: Trước đây thì các DN Hàn Quốc đầu tư chủ yếu vào các ngành gia công như dệt may. Tuy nhiên, sau năm 2013 thì việc đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam có sự gia tăng chính từ các tập đoàn lớn như Samsung, LG và xu thế đầu tư đã và đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực với trọng tâm là ngành công nghiệp giá trị cao.
Gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng kêu gọi các DN đầu tư nước ngoài sản xuất nội địa hóa các linh kiện, phụ tùng. Hy vọng, các DN Việt Nam có thể cung ứng phụ tùng cho các DN sản xuất này và giảm chi phí cho DN.
Theo đó, các hoạt động đầu tư theo hình thức hợp tác kỹ thuật giữa các DN Hàn Quốc và các DN Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng sẽ ngày càng sôi nổi hơn.
Để tận dụng hiệu quả hơn nữa những lợi thế mà FTA Việt Nam-Hàn Quốc mang lại, theo ông, các DN Việt Nam cần phải làm gì?
Ông Han Dong Hee: Lợi thế lớn từ FTA Việt Nam-Hàn Quốc so với hiệp định FTA Hàn Quốc-ASEAN có nhiều cải tiến hơn trong tiếp cận thị trường hàng hóa tiêu dùng, mà trọng tâm chính là hàng nông sản, mặt hàng không áp dụng chế độ tương hỗ.
Hơn nữa, năm 2017, tiến trình giảm thuế theo FTA Việt Nam-Hàn Quốc từ năm thứ 3 sẽ có thêm nhiều danh mục ưu đãi thuế. Các DN liên quan nên phân tích và xem xét những ưu đãi thuế quan để có thể áp dụng một cách tích cực.
Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước, hiệp hội DN vẫn cần tiếp tục phổ biến FTA cho DN hai nước nhằm tăng khả năng hiểu biết và khả năng ứng dụng Hiệp định của các DN. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện những buổi thuyết trình và những hoạt động quảng bá đa dạng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thông tin FTA cho các DN và cổ vũ các DN ứng dụng triệt để.
Cần xây dựng mạng lưới hợp tác và liên kết giữa hai nước nhằm quảng bá một các tích cực việc cần xóa bỏ những bất tiện về mặt hành chính và nâng cao hiệu quả trong quá trình thông quan, các loại giấy tờ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; giảm bớt các loại rào cản phi thuế quan liên quan đến FTA.
Năm 2017 là năm có triển vọng mở rộng hợp tác giữa hai nước do quan hệ ngoại giao Hàn Quốc-Việt Nam tròn 25 năm thiết lập. Hai nước sẽ có triển vọng bước lên một bước tiến mới trong hợp tác và giao lưu. Thông qua các hoạt động kinh doanh đa dạng, các DN Hàn Quốc cũng sẽ hợp tác và hỗ trợ các DN Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()