Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và địa phương
![]() |
Giáo viên, nhân viên Trường Mầm non xã Hữu Lễ (Văn Quan) lao động vệ sinh trường lớp học trong dịp hè |
Theo thống kê, năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 7.448 phòng học, trong đó có 4.828 phòng kiên cố, 1.804 phòng bán kiên cố, 818 phòng học tạm và 896 phòng học nhờ học mượn. Ngoài ra còn trên 3000 phòng làm việc, phòng chức năng, trên 6000 phòng công vụ cho giáo viên, nhà nội trú, bán trú cho học sinh… Bên cạnh đó, các nhà trường đang sở hữu các trang thiết bị, đồ dùng dạy và học trị giá hàng trăm tỷ đồng, trong đó có những đồ dùng cần sự bảo quản khá nghiêm ngặt như máy vi tính, máy chiếu các loại, thiết bị thí nghiệm. Đây không những là khối tài sản khổng lồ mà nhà nước giao cho ngành GD&ĐT quản lý và sử dụng, mà còn là công sức, tiền của của người dân. Bảo quản bằng ấy tài sản trong 3 tháng hè trong mùa mưa bão là chuyện không hề nhỏ và chỉ một chút lơ là, các nhà trường sẽ phải “trả giá” đắt cho sự chủ quan và thiếu trách nhiệm của mình.
Quán triệt Chỉ thị số 05/CT-UBND, ngày 23/8/2013 của UBND tỉnh về những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2013-2014, cùng với chỉ đạo tổng kết năm học, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác bảo vệ CSVC, trường lớp học trong dịp hè. Theo đó, các trường ở vùng cao, vùng xa, vùng dễ bị úng ngập, tố lốc, sạt lở đất, cùng với sự sắp xếp hợp lý các trang thiết bị dạy học, đồ dùng thí nghiệm vào những phòng học cao tầng, phòng kiên cố, các nhà trường đều phân công cán bộ giáo viên trực hàng ngày, không “khoán trắng” cho bảo vệ. Bên cạnh đó, các nhà trường có sự phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền và khu dân cư sở tại trong việc bảo vệ trường lớp, chống tình trạng trộm cắp tài sản, thiết bị của các nhà trường.
Về vấn đề này, cô giáo Dương Thị Viết, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS xã Hữu Lân (Lộc Bình) cho biết: mặc dù trường đã ở vị trí cao, không bị nguy cơ úng lụt, song với khu nhà nội trú của giáo viên và học sinh chưa được kiên cố hóa, CSVC của nhà trường rất dễ bị ảnh hưởng do tố lốc, mưa đá và sạt lở đất. Vì vậy, nhà trường đã bố trí sắp xếp các thiết bị, hồ sơ sổ sách vào các phòng kiên cố của khu lớp học, cắt cử cán bộ giáo viên cùng bảo vệ trực 24/24 giờ; đề nghị chính quyền xã có phương án điều động lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ khi cần thiết, đề nghị với những hộ dân xung quanh không thả rông trâu bò vào khuôn viên nhà trường. Trên thực tế, sự tham gia của chính quyền địa phương đã mang lại hiệu quả lớn trong công tác bảo vệ, ứng phó kịp thời với tác động xấu của thiên tai. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết, vào dịp hè và vào mùa mưa bão một số trường học của Tràng Định đã vận dụng hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong ứng cứu, khắc phục, trong đó nhân dân có vai trò lớn do mang tính kịp thời. Tháng 8/2013, Trường Tiểu học xã Xuân Lễ (Lộc Bình) đã bị một lượng lớn đất đá sạt lở đe dọa, nhà trường cùng lãnh đạo UBND xã đã có mặt kịp thời và cùng cơ quan chuyên môn của huyện bàn cách khắc phục, mang lại sự an toàn cho khu lớp học mới xây bằng vốn viện trợ của Đại sứ quán Nhật Bản.
Sau 5 năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong 720 trường học của Lạng Sơn, đã có 328 trường có hàng rào kiên cố, 348 trường có hàng rào cây xanh, điều đó vừa tạo thuận lợi cho việc tạo cảnh quan nhà trường và có tác dụng tốt trong công tác bảo vệ. Tuy vậy, vẫn còn trên 80% điểm trường chưa có hàng rào, nên rất dễ bị tác động tiêu cực của thiên nhiên và con người. Căn cứ vào tình hình thực tế của mình, các nhà trường đều ký hợp đồng với bảo vệ là người địa phương, thậm chí là người đã hiến đất cho xây dựng điểm trường và họ chính là những người có trách nhiệm cao trong bảo vệ CSVC tại các điểm trường ấy. Đó là những minh chứng cụ thể cho sự vận dụng sáng tạo và sự phối hợp tốt giữa ngành GD&ĐT và địa phương trong việc bảo vệ tường lớp nói chung và trong dịp hè nói riêng.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ trường lớp trong dịp hè cũng còn nhiều khó khăn. Các nhà trường chuyển đổi loại hình từ phổ thông sang loại hình PTDT bán trú, tiến hành dựng phòng nội trú để “thu gom” học sinh vào ở tập trung, nhưng do không có kinh phí xây dựng kiên cố, nên nhà ở của học sinh chỉ là những khu nhà tạm với cây rừng phên nứa, ván cây với tấm lợp. Khi mùa mưa bão đến các khu nhà này rất dễ bị ảnh hưởng như úng ngập, tốc mái, tường đổ vách xiêu. Do thiếu mặt bằng nên hầu hết các điểm trường đều xây dựng ở những nơi dễ bị tác động xấu từ nhiên nhiên và con người. Khi đẩy nhanh tiến trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, rất nhiều trang thiết bị đồ dùng đồ chơi của cấp học này đã được trang bị, song CSVC phòng học và phòng chức năng còn thiếu nhiều và trong tình trạng tạm bợ nên điều kiện bảo quản rất kém, các thiết bị rất dễ bị hư hỏng xuống cấp hoặc bị hư hao mất mát; thiết bị điện hầu hết là tạm bợ nên rất dễ gây chập cháy hoặc nguy hiểm cho người và tài sản trong mỗi trận mưa bão. Bảo vệ CSVC cho những công trình tạm không chỉ là sự chuẩn bị sẵn sàng để đón học sinh vào năm học mới, mà còn là uy tín danh dự của các nhà trường trước sự đóng góp lớn lao của nhân dân.

Ý kiến ()