Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Để bảo vệ thành quả của cách mạng, chăm lo cho cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, do các cơ quan bảo vệ pháp luật và lực lượng chuyên trách làm nòng cốt.
Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC, thể hiện vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC trong bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, để hoàn thiện hành lang pháp lý đối với công tác PCCC, ngày 29/6/2001, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy. Tiếp đó, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy được ban hành, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động quản lý nhà nước, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào công tác PCCC.
Những năm gần đây, nhằm tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, ngày 25/6/2015, Ban Bí thư Trung ương đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy” khẳng định: Công tác PCCC là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đồng thời đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Sau 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 18/5/2021, Ban Bí thư khóa XIII đã ban hành Kết luận số 02-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI; bổ sung những yêu cầu nhiệm vụ để tổ chức triển khai trong tình hình mới.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác PCCC và CNCH đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều nghị quyết, chương trình, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác PCCC và CNCH được ban hành. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH được đẩy mạnh, góp phần tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội; kịp thời phát hiện, loại trừ hàng triệu nguy cơ cháy, nổ, sự cố tai nạn.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và CNCH được đẩy mạnh. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH được kiện toàn, củng cố từ Trung ương đến địa phương, được ưu tiên đầu tư phương tiện hiện đại, mở rộng mạng lưới theo bốn cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Trong những năm gần đây, Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp các lực lượng tổ chức cứu chữa và dập tắt hàng chục nghìn vụ cháy, hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng nghìn người bảo vệ khối lượng tài sản ước tính hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Với những chiến công, thành tích xuất sắc, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 15 đơn vị, tặng thưởng 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng nhất, 1 Huân chương Quân công hạng ba, 1 Huân chương Độc lập hạng nhất, 3 Huân chương Chiến công hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC và CNCH còn có những hạn chế, bất cập. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này ở một số nơi chưa đầy đủ, thậm chí có tư tưởng chủ quan, chấp hành không nghiêm pháp luật về PCCC và CNCH. Quy hoạch hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ chữa cháy, CNCH còn nhiều bất cập; việc đầu tư cho công tác PCCC và CNCH chưa tương xứng với đòi hỏi của thực tế. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nhìn chung chưa đáp ứng thật tốt yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khó khăn.
Trong tình hình mới, để công tác PCCC và CNCH thật sự chất lượng, hiệu quả, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với nhiệm vụ PCCC và CNCH. Xác định việc bảo đảm an toàn, phòng chống cháy, nổ, sự cố, tai nạn là trách nhiệm của toàn dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt của các cấp ủy Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của chính quyền. Thực tiễn cho thấy, ở đâu công tác PCCC và CNCH được xác định là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của cấp ủy, chính quyền thì ở nơi đó công tác này có hiệu quả.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 15/6/2015 và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội và các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để làm cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác PCCC và CNCH.
Ba là, phải hết sức coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính, bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn PCCC cho từng cơ sở, từng khu dân cư, từng hộ gia đình. Kiện toàn, củng cố lực lượng tại chỗ tại khu dân cư, cơ sở; thu gọn đầu mối, bảo đảm tinh gọn, thiết thực kết hợp với xây dựng chế độ chính sách phù hợp; phát huy hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCCC; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đáp ứng nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân; góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; hộ gia đình và cá nhân đối với việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC. Chú trọng các hình thức cung cấp kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho người dân.
Năm là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; tăng cường công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu, thanh tra, kiểm tra, điều tra nguyên nhân các vụ cháy, nổ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định PCCC và CNCH. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH.
Sáu là, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thấm nhuần bốn lời Bác Hồ dạy “Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn. – Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân. – Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy. – Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”. Tiếp tục xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tinh thông về nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật; xây dựng tổ chức đảng, cấp ủy và đội ngũ đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục ưu tiên đầu tư, mua sắm thiết bị bảo hộ, phương tiện chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Tham mưu xây dựng chính sách nâng cao tiềm lực công nghiệp PCCC và CNCH.
Theo Nhandan
Ý kiến ()