Tăng cường quản lý xuất khẩu gạo
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có một số ý kiến chỉ đạo về công tác điều hành xuất khẩu gạo. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp cơ quan, địa phương liên quan nắm chắc tình hình xuất khẩu, nhập khẩu thóc gạo qua biên giới (nhất là biên giới phía bắc với Trung Quốc và biên giới phía nam với Cam-pu-chia).
Bộ Công thương cũng được giao chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) rà soát các quy định (kể cả các tiêu chí cụ thể chỉ định thương nhân thực hiện hợp đồng tập trung), các thỏa thuận đã ký để chủ động điều chỉnh cơ chế cho phù hợp nhằm tổ chức lại các thị trường tập trung, bảo đảm khai thác tốt thị trường và nâng cao hiệu quả xuất khẩu; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), UBND các tỉnh biên giới liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ, không để thóc, gạo xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới không được khai báo, thống kê đầy đủ theo quy định…
Gỡ khó cho Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của TISCO
Theo tinh thần Công văn số 1719/TTg-KTTH, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tham gia góp vốn một nghìn tỷ đồng vào Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO)
và sử dụng toàn bộ phần vốn góp này cho Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của TISCO. Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để SCIC sớm tham gia góp vốn vào TISCO. Ðến nay, sau gần 10 năm phê duyệt nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan khiến cho dự án bị chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư ban đầu.
Khó đáp ứng được tiêu chí trở thành đối tác của Samsung
Ngày 11-9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp Ðầu tư nước ngoài (VAFIE) và Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) phối hợp tổ chức Hội thảo về giải pháp hỗ trợ phát triển nền công nghiệp phụ trợ (CNPT) Việt Nam với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất các lĩnh vực điện tử, cơ khí, nhựa, bao bì… trên toàn quốc. Tại hội thảo, Tập đoàn Samsung khẳng định, muốn trở thành nhà cung cấp của Samsung thì DN phụ trợ cần bảo đảm tám yếu tố: công nghệ; có cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu phát triển; chất lượng phải được kiểm soát; bảo đảm chứng nhận ISO; có khả năng quyết định, đối ứng nhanh chóng đối với yêu cầu của công ty mua… và 13 điều mục buộc các DN phải tuân thủ, khiến các DN Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu. Chủ tịch VAFIE GS, TSKH Nguyễn Mại cho rằng, CNPT tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và các sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng thấp. Tỷ lệ linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước mới chỉ đạt 27,8%, trong khi đó tại Thái-lan đã đạt 60% và Trung Quốc cũng đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%.
Giúp ngư dân tỉnh Thái Bình phục hồi sản xuất do ngao chết
Chiều 11-9, trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Ðức Phát cho biết: Kết luận của các đơn vị chuyên môn cho biết: Nguyên nhân ngao chết trên diện rộng tập trung cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua ở Thái Bình không phải là do nhiễm vi khuẩn hay vi-rút. Thực tế, ngao chết là do mưa lớn, độ mặn nước biển giảm xuống làm con ngao bị sốc nước ngọt, giảm khả năng đề kháng. Sau đó, nước biển lại có độ mặn cao cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến ngao bị chết hàng loạt tại huyện Thái Thụy và Tiền Hải.
Ðể tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, trong thời gian tới, bộ sẽ đặt trạm quan trắc cảnh báo tại những vùng nước không an toàn nhằm khuyến cáo ngư dân dừng hoạt động sản xuất khi môi trường không bảo đảm. Bộ sẽ sớm hoàn thiện công nghệ sản xuất ngao giống để triển khai tại tỉnh Thái Bình trong năm 2015 vì diện tích nuôi ngao của địa phương rất lớn (hơn 3.200 ha), sản lượng chiếm hơn 50% toàn quốc trong khi ngao giống sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu.
Bộ trưởng Cao Ðức Phát khẳng định: Ngao chết là do thiên tai (có yếu tố nắng nóng) cho nên theo quy định của Nhà nước, ngư dân Thái Bình sẽ được hỗ trợ thiệt hại. Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 70% kinh phí, còn lại là ngân sách địa phương. Tỉnh Thái Bình cần khẩn trương rà soát, thống kê chính xác diện tích ngao chết trình bộ xem xét, giải quyết.
Không có căn cứ nêu ngành thép phá sản từ Hiệp định VCUFTA
Ngày 11-9, Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, vừa qua, dư luận tỏ ý lo ngại về việc ngành thép sẽ bị phá sản khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga – Bê-la-rút – Ca-dắc-xtan (VCUFTA) được ký kết. Bộ Công thương khẳng định, những lo ngại này hoàn toàn không có căn cứ xác đáng. VCUFTA được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi sẽ tạo cơ hội thúc đẩy việc xuất khẩu mạnh mẽ hàng hóa Việt Nam sang thị trường các nước Nga và SNG. Quá trình đàm phán, phía Liên minh Hải quan (Liên minh) đặt ưu tiên hàng đầu việc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như sắt thép, săm lốp, máy móc thiết bị,… Việc đàm phán mở cửa thị trường sẽ được thực hiện trên cơ sở cân bằng lợi ích tổng thể giữa hai bên.
Riêng đối với các mặt hàng thép, trong số nhiều mặt hàng sắt thép phía Liên minh yêu cầu ưu tiên cắt giảm thuế quan, chỉ có một số loại thuộc danh mục do Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị bảo lưu lộ trình cắt giảm thuế. Như vậy, về tổng thể, phía Liên minh có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng sắt thép mà Việt Nam không sản xuất, phía Liên minh sẽ phải tự cạnh tranh với các đối tác khác trên thị trường nước ta.
Hỗ trợ hơn 42.000 ơ-rô để trồng rừng
Tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định thực hiện Dự án hỗ trợ các tổ chức, hộ sản xuất lâm nghiệp miền trung Việt Nam tại Quảng Ngãi. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 42.750 ơ-rô (tương đương một tỷ 197 triệu đồng); trong đó kinh phí 40.050 ơ-rô là viện trợ không hoàn lại do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Ngoại giao Hà Lan đồng tài trợ. Dự án do Liên minh HTX Quảng Ngãi làm chủ dự án, thực hiện tại hai địa điểm thuộc HTX nông nghiệp thôn Thọ Trung (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh) và HTX nông nghiệp xã Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành)
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()