Tăng cường quản lý thuế
LSO-Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh đã mang lại nhiều tiện ích. Tuy nhiên, phương thức bán hàng này lại gây khó cho việc quản lý thuế.
Cán bộ Chi cục Thuế Tràng Định hướng dẫn người nộp thuế làm thủ tục kê khai |
Tiện ích của thương mại điện tử
Hoạt động kinh doanh TMĐT nói chung và bán hàng qua mạng xã hội nói riêng đã đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Chị Trần Thu Hà, ở khối Đèo Giang, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Gần đến ngày sinh nhật mẹ, tôi muốn mua tặng mẹ một đôi giày. Thay vì phải lang thang hết tuyến phố này đến tuyến đường khác như trước đây để tìm, giờ tôi có thể ngồi ở nhà và “lướt” mạng. Chỉ vài thao tác đơn giản, đã có hàng trăm mẫu giày đẹp xuất hiện trên mạng để tôi lựa chọn. Không những đa dạng mẫu mã mà tôi còn có thể so sánh giá để lựa chọn mua. Đặt mua xong, bên bán hàng còn vận chuyển giày đến tận nhà mới bắt đầu thanh toán.
Không chỉ chị Hà, nhiều người khác cũng lựa chọn phương án mua hàng trên mạng. Hàng hóa trên mạng đa dạng, phong phú, từ đồ gia dụng đến đồ ăn, đồ cao cấp đến bình dân… Qua đó người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, thao tác mua, bán, thanh toán nhanh gọn và đặc biệt việc tìm kiếm rất dễ dàng. Lấy ví dụ, chỉ một thao tác tìm kiếm trên Google với từ khóa “mua quần áo tại Lạng Sơn”, chỉ với 0,71 giây đã cho 563.000 kết quả liên quan, trong đó có rất nhiều địa chỉ mua, bán trực tuyến trên địa bàn. Thao tác tương tự trên mạng xã hội facebook, zalo cũng có hàng trăm kết quả với đa dạng các sản phẩm quần áo.
Dễ tìm, dễ mua, dễ thanh toán và tiết kiệm nhiều thời gian, công sức… hoạt động bán hàng qua mạng thực sự đem lại nhiều tiện ích và sự phát triển của hình thức kinh doanh này như một lẽ tất yếu.
Khó quản lý thuế
Tiện ích thì đã rõ, thế nhưng, việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT thì không hề dễ dàng gì. Trên địa bàn tỉnh, mặc dù chưa có doanh nghiệp, tổ chức nào đăng ký chuyên kinh doanh TMĐT, nhưng đã xuất hiện nhiều cá nhân đang thực hiện kinh doanh trên lĩnh vực này. Theo đánh giá của cơ quan thuế, việc thu thuế người bán hàng qua mạng xã hội sẽ không đơn giản. Mỗi tổ chức, cá nhân hiện có thể sở hữu nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội để kinh doanh. Việc mua bán lại chủ yếu được giao dịch bằng tiền mặt nên khó giám sát. Đó là chưa kể đến việc phân biệt các chủ tài khoản sử dụng mạng xã hội vào mục đích gì, để tư vấn, tiếp thị hay để bán sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, một số người kinh doanh trên mạng xã hội chỉ như một việc làm thời vụ hoặc kiếm thêm thu nhập.
Trước những khó khăn đó, ngày 16/6/2017, Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT. Ngay sau khi có chỉ đạo, Cục Thuế tỉnh đã từng bước triển khai thực hiện. Ông Lê Công Mai, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Trước mắt, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về việc đăng ký kê khai nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Cục Thuế tỉnh thông báo để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn có hoạt động TMĐT đến cơ quan thuế gần nhất để được hướng dẫn đăng ký kê khai nộp thuế.
Bên cạnh tăng cường tuyên truyền, hiện nay Cục Thuế tỉnh đang nghiên cứu, thu thập dữ liệu và tham khảo kinh nghiệm của một số tỉnh bạn để làm cơ sở soạn thảo kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành nhằm tăng hiệu quả trong quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này. Sau đó, ngành thuế sẽ xây dựng cơ chế phối hợp, từ đó nâng cao hiệu quả công tác chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, trong đó có hoạt động bán hàng qua mạng xã hội.
Ngoài ra, để chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh này, cần thiết phải xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ quản lý thuế với kinh doanh TMĐT cho từng lĩnh vực cụ thể; xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra riêng đối với hoạt động này; đào tạo chuyên sâu các kiến thức về TMĐT; kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử cho đội ngũ cán bộ công chức thuế, đặc biệt là công chức làm nhiệm vụ thanh, kiểm tra.
TÂN AN
Ý kiến ()