Tăng cường quản lý thông tin trên in-tơ-nét
Ngày 18-2, tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về: Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Báo chí (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Tờ trình của Viện trưởng KSND tối cao về việc đề nghị bổ sung chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp của ngành KSND.
Trình bày dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi cho biết: Dự thảo luật sau khi được sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý gồm có sáu chương và 60 điều. Quá trình thảo luận dự thảo luật này, có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội ngay tại luật này. Ý kiến khác đề nghị chỉ nên điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên mạng tại các văn bản dưới luật như hiện nay. Bởi vì, trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời, người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý các trang mạng xã hội này, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng. Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài, mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng. Do vậy, dự thảo luật không điều chỉnh hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội, mà tiếp tục để văn bản về quản lý in-tơ-nét điều chỉnh.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về việc trang thông tin điện tử tổng hợp và trang mạng xã hội nếu không nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật mà chỉ quản lý bằng nghị định thì sẽ “bỏ trống trận địa”, không đáp ứng yêu cầu về quản lý báo chí, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc quản lý thông tin trên mạng đang được thực hiện theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng. “Mặc dù truyền thông xã hội đang phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận thông tin cả trong nước và ngoài nước, nhưng Luật Báo chí chỉ điều chỉnh các loại hình báo chí và không tư nhân hóa báo chí. Vì vậy, không đưa truyền thông xã hội vào phạm vi quản lý của luật này để tránh việc vô tình thừa nhận truyền thông xã hội, blog cá nhân cũng là loại hình báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phân tích.
Không đồng tình quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, quyền tự do báo chí chỉ bị hạn chế bằng luật chứ không phải bằng nghị định. Thông tin xã hội trên mạng in-tơ-nét hiện rất phổ biến, có sức lan tỏa lớn, mọi người đều đọc rất nhiều. Nếu coi đây không phải là báo chí cho nên không đưa vào luật là chưa phù hợp thực tiễn. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những quy định phù hợp để điều chỉnh trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội ngay tại luật mà không điều chỉnh bằng văn bản dưới luật nhằm đáp ứng tốt yêu cầu quản lý hoạt động thông tin trên mạng in-tơ-nét.
Về đề nghị quy định nhà báo tác nghiệp được coi là người thi hành công vụ để có cơ chế bảo vệ, nhiều ý kiến cho rằng, công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh Nhà nước thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, của xã hội và được pháp luật bảo vệ. Nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do vậy, chưa thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ. Về cơ chế bảo vệ nhà báo, phóng viên, luật hiện hành và dự thảo luật đều đã có quy định.
Tiếp đó, thảo luận về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, với quy định như hiện nay, trẻ em là người dưới 16 tuổi thì những người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (chưa thành niên) sẽ không được bảo vệ, chăm sóc theo luật hiện hành, vì vậy, cần điều chỉnh độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi như hiện nay thành dưới 18 tuổi nhằm bảo đảm phù hợp thực tiễn nước ta. Theo các đại biểu, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em sẽ bảo đảm phù hợp Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia năm 1990, đồng thời tạo sự thống nhất khi sử dụng thuật ngữ về “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể; và không mâu thuẫn với các luật hiện hành.
Về sự lo ngại sẽ làm tăng chi ngân sách nhà nước khi nâng độ tuổi trẻ em, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là gần 4,4 triệu người. Khi điều chỉnh độ tuổi, những người này sẽ được xem là trẻ em và vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành được quy định tại Luật Thanh niên và chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt (khoảng 250 nghìn người) và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi này. Tuy nhiên, chi phí này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến cụ thể về Tờ trình của Viện trưởng KSND tối cao về việc đề nghị bổ sung chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp của ngành KSND.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()