Tăng cường quản lý thị trường xăng, dầu
Ngày 13-8, giá xăng, dầu lại tăng thêm 1.100 đồng/lít, là lần tăng thứ ba trong vòng hai tháng gần đây, gây thêm khó khăn, áp lực cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.Hơn nữa, cứ mỗi lần xăng, dầu rục rịch tăng giá, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tự động ngưng bán xăng với rất nhiều lý do nhằm "găm hàng" để trục lợi. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiên quyết kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh tình trạng này, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.Vài ngày gần đây, trước khi giá xăng tăng, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xuất hiện một số cây xăng đóng cửa, ngưng bán với nhiều lý do như "cúp điện", "hết xăng" ở các quận 12, Tân Bình, Bình Thạnh... Các đội quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra, lập biên bản một số cây xăng nghỉ bán. Theo các cán bộ QLTT, đối với các cây xăng ngưng bán có nguyên nhân hợp lý thì QLTT cũng lập biên bản theo thủ tục. Còn đối với...
Hơn nữa, cứ mỗi lần xăng, dầu rục rịch tăng giá, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tự động ngưng bán xăng với rất nhiều lý do nhằm “găm hàng” để trục lợi. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiên quyết kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh tình trạng này, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Vài ngày gần đây, trước khi giá xăng tăng, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xuất hiện một số cây xăng đóng cửa, ngưng bán với nhiều lý do như “cúp điện”, “hết xăng” ở các quận 12, Tân Bình, Bình Thạnh… Các đội quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra, lập biên bản một số cây xăng nghỉ bán. Theo các cán bộ QLTT, đối với các cây xăng ngưng bán có nguyên nhân hợp lý thì QLTT cũng lập biên bản theo thủ tục. Còn đối với những cây xăng nghỉ bán với lý do gian dối, có dấu hiệu “găm hàng” (vẫn còn xăng trong bồn, cột bơm xăng vẫn hoạt động bình thường) thì QLTT sẽ xử lý theo quy định hiện hành. Đối với một số vi phạm, QLTT sẽ phạt tiền. Trường hợp nặng hơn, cây xăng có thể bị rút giấy phép kinh doanh có thời hạn.
Tại Đà Nẵng, Chi cục QLTT thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng các cửa hàng xăng, dầu sai phạm, nhất là thời điểm giá xăng, dầu thế giới có biến động lớn. Phó Chi cục trưởng QLTT Đà Nẵng Trần Cảnh Phúc cho biết: Các tổ, đội QLTT được phân công cụ thể từng địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc kinh doanh xăng, dầu. Trong đó, tập trung vào các nội dung như tính chính xác trong đo đếm, chất lượng xăng, dầu. Riêng đợt này, ngay khi giá xăng, dầu thế giới tăng, cán bộ QLTT đã giám sát chặt chẽ và thường xuyên tại các điểm kinh doanh xăng, dầu. Vì thế tại Đà Nẵng không có tình trạng “găm hàng”, cố tình đóng cửa vì mất điện, hỏng máy, bán cầm chừng hoặc nghỉ bán sớm hơn ngày thường để chờ tăng giá. Lực lượng QLTT Đà Nẵng tiếp tục kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện cây xăng nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Tại Bạc Liêu, theo phản ánh của người dân, nhiều cây xăng cũng bất ngờ ngưng hoạt động với những lý do trên để “găm hàng” từ ngày 12 đến chiều 13-8 để chờ tăng giá. Trước tình trạng này, nhiều người dân bức xúc hỏi các nhân viên tại các cửa hàng vì sao không bán xăng, thì hầu hết nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không biết, chỉ biết lãnh đạo cửa hàng bảo tạm ngưng bán xăng nên chúng tôi chấp hành thôi”! Vào lúc hơn 10 giờ trưa 13-8, phóng viên Báo Nhân Dân đến cây xăng sát trụ sở Công an tỉnh Bạc Liêu (đường Lê Duẩn, phường 1, TP Bạc Liêu) hỏi mua xăng, thì một số nhân viên tại cây xăng này bảo “mất điện”, không bán được. Nhưng phóng viên quan sát quạt điện trong nhà tại cây xăng này vẫn chạy, các hiệu phô-tô-co-py bên cạnh vẫn hoạt động bình thường.
Chiều 14-8, Cục QLTT (Bộ Công thương) cho chúng tôi biết: Vào trước thời điểm tăng giá xăng, dầu (ngày 13-8), thông qua đường dây nóng của Cục, người dân tại một số địa phương phản ánh tình hình một số cây xăng có biểu hiện ngừng bán hàng không rõ lý do. Cục đã khẩn trương chỉ thị chi cục QLTT các địa phương trên tiến hành kiểm tra ngay các cây xăng để xác định lý do ngừng bán hàng. Nếu phát hiện được vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo luật định. Theo quy định tại Nghị định 104/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng, dầu, mức phạt cao nhất có thể là rút giấy phép đủ điều kiện kinh doanh của cây xăng vi phạm có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Theo báo cáo nhanh của các chi cục QLTT qua điện thoại, tính đến hết ngày 13-8, tỉnh Đồng Nai dẫn đầu số lượng các cửa hàng xăng, dầu ngưng hoạt động hoặc hoạt động một phần với 17 cửa hàng; Vĩnh Phúc với 10 cửa hàng; Hà Nội có một cửa hàng tại Hòa Lạc ngừng bán với lý do hết xăng vì DN đầu mối không cung ứng, ngoài ra, một số cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn cũng phản ánh có đăng ký với DN đầu mối cung cấp hàng nhưng không được đáp ứng; lập biên bản, xử lý một cửa hàng ở Bình Dương…
Cục QLTT cũng đề nghị Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối bảo đảm nguồn cung, tăng cường kiểm tra hệ thống tổng đại lý, đại lý trực thuộc DN đầu mối, bảo đảm cung cấp xăng, dầu cho thị trường. Ngày 13-8, Văn phòng Đại diện I của Cục QLTT đã làm việc với Tổng công ty cổ phần Xăng dầu – Dầu khí Sài Gòn, thuộc DN đầu mối PVOil và Công ty xăng, dầu Khu vực II thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Hai DN bảo đảm hàng hóa trong thời gian qua giao cho khách hàng vẫn đầy đủ, lượng xăng, dầu tồn vẫn đầy đủ, giao đủ cho khách hàng đã ký hợp đồng với DN thời gian tới.
Ngay sau khi giá xăng, dầu tăng ngày 13-8, một số hãng ta-xi tại TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh giá cước tăng từ 500 đến 1.000 đồng/km. Cụ thể, hãng Vinasun cho biết, từ ngày 16-8 sẽ đồng loạt tăng giá cước thêm 500 đồng/km. Ta-xi Mai Linh cũng sẽ tăng từ 800 đồng đến 1.000 đồng/km tùy từng loại xe và địa phương. Hiệp hội vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong hợp đồng vận tải đối với khách hàng đều có các điều khoản cụ thể khi giá xăng lên xuống nên tùy tình hình thực tế mà giá cước vận tải cũng được điều chỉnh. Trong khi đó, các bến xe trên địa bàn cho rằng, do yếu tố cạnh tranh về hành khách nên các DN vận tải liên tỉnh sẽ chưa tăng giá vé trong thời điểm này mà sẽ chờ các động thái từ các DN khác mới điều chỉnh giá vé của đơn vị mình. Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho biết, chắc chắn giá cước vận tải sẽ tăng, nhất là trong bối cảnh sắp tới dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 tới, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến.
Trước tình hình trên, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính liên tục chỉ đạo Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phối hợp cơ quan QLTT và các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào việc thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến giá cả thị trường, trước hết là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa, ga, cước vận tải, kịp thời báo cáo các UBND tỉnh, thành phố có biện pháp thích hợp bình ổn giá theo quy định. Kiểm soát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá của các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu.
Thực hiện giám sát chặt chẽ đăng ký giá, kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá. Kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá không do tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng, dầu, tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá xăng, dầu vừa qua. Kiểm soát chặt chẽ phương án giá hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là đối với những mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tăng giá đối với mặt hàng không chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng, dầu hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá xăng, dầu và các trường hợp vi phạm quy định hiện hành theo Nghị định 84/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và quy định pháp luật liên quan.
Trước thời điểm điều chỉnh giá xăng, dầu, ngày 13-8, Bộ Tài chính đã có công văn nhắc nhở các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối khi tính giá cơ sở làm căn cứ để điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước phải đúng công thức với chu kỳ bình quân 30 ngày. Nếu tính theo các chu kỳ khác chỉ giá cơ sở đó chỉ mang tính chất tham khảo. Trong hai lần tăng giá vừa qua, các DN gửi kiến nghị điều chỉnh tăng giá dựa trên cách tính khác nhau. Có DN tính bình quân 10 ngày, có DN tính 20 ngày… Có DN cho biết, nếu tính mức bình quân 10 ngày thì lỗ nhiều hơn, nhưng tính mức bình quân 30 ngày thì mức lỗ lại giảm hơn.
Việc điều chỉnh giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường theo đúng tinh thần Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu là cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa thể chủ động hoàn toàn về nguồn xăng, dầu. Song điều dư luận quan tâm là các cơ quan chức năng cần phải minh bạch lỗ lãi của các đơn vị kinh doanh xăng, dầu. Giá xăng, dầu thường tăng cao, tăng nhanh hơn, trong khi giảm thì nhỏ giọt và cũng lâu hơn. Theo một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các DN xăng, dầu cũng phải chia sẻ với những khó khăn của DN và người dân. Liên bộ Tài chính – Công thương cũng cần tính toán linh hoạt, cân nhắc nguồn thu ngân sách Nhà nước và việc giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu… để hạn chế phần nào việc điều chỉnh tăng giá xăng, dầu. Các bộ, ngành chức năng, địa phương cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn, xử lý nghiêm minh tình trạng lợi dụng giá xăng, dầu tăng để “té nước theo mưa”, tăng giá vô tội vạ các mặt hàng, dịch vụ. Dư luận cũng đòi hỏi phải có hình thức xử lý triệt để, kiên quyết, nghiêm minh hơn nữa đối với những cây xăng cố tình ngưng bán hàng trước thời điểm tăng giá.
Theo Nhandan
Ý kiến ()