Tăng cường quản lý, thắt chặt kiểm tra
LSO-Trong những năm gần đây phong trào trồng rừng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Sản lượng khai thác vì thế cũng tăng lên. Tính từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã khai thác trên 119,5 nghìn m3 gỗ các loại. Các cơ sở chế biến gỗ mọc lên như nấm sau mưa, hệ quả của sự phát triển ồ ạt, tự phát là nhiều cơ sở rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu, nhiều nơi chặt rừng non.
Chế biến gỗ rừng trồng tại công ty Cổ phần Thịnh Lộc- Shinec |
Hợp tác xã Bến Lường, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng đầu tư khá lớn vào thiết bị chế biến gỗ với 3 máy bóc. Công suất trung bình khoảng 13m3 gỗ/máy/ngày. Anh Nguyễn Minh Giang, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: thời gian đầu Hợp tác xã còn có đủ nguồn nguyên liệu, nhưng ngày càng có nhiều các cơ sở chế biến tư nhân ra đời dẫn tới sự cạnh tranh về nguồn gỗ, đầu vào vì thế cũng bấp bênh. Đến giữa năm 2012, Hợp tác xã đã phải ngừng hoạt động 2 máy bóc, 1 máy thì hoạt động cầm chừng.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Hữu Lũng, tới đầu năm 2013, toàn huyện có 48 cơ sở chế biến gỗ được cấp phép hoạt động với 31 máy bóc, 5 máy xẻ và 12 xưởng mộc. Ngoài số ít các doanh nghiệp đầu tư lớn như Công ty Cổ phần Thịnh Lộc Shinec, hầu hết trong số này là các cơ sở phát triển một cách tự phát, không có quy hoạch vùng nguyên liệu. Chính vì vậy, một thời gian có sự cạnh tranh gay gắt về thu mua gỗ nguyên liệu. Điều này khiến cho người trồng rừng “sốt ruột” và đã xuất hiện hiện tượng bán rừng non trên địa bàn huyện Hữu Lũng, làm giảm giá trị kinh tế của rừng. Thực tế kiểu phát triển tự phát không duy trì được lâu dài, đến hết năm 2013 toàn huyện Hữu Lũng chỉ còn 40 cơ sở và đến thời điểm tháng 7/2014, chỉ còn 33 cơ sở chế biến gỗ còn hoạt động.
Thực tế, việc phát triển rừng gắn với phát triển chế biến gỗ trong những năm qua đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng và mở rộng thị trường tiêu thụ cho người trồng rừng. Tuy nhiên, nhìn theo hướng ngược lại, việc phát triển cơ sở chế biến cũng cần gắn với các vùng nguyên liệu và khả năng cung cấp nguyên liệu của các vùng đó. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến đầu tháng 7/2014, trên địa bàn toàn tỉnh có 116 cơ sở chế biến gỗ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giảm 10 cơ sở so với năm 2013. Trong đó qua kiểm tra, có 85 cơ sở hoạt động tương đối thường xuyên và có tới 31 cơ sở hoạt động mùa vụ.
Ông Hoàng Đình Sĩ, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: phần lớn các cơ sở chế biến phát triển theo cách tự phát, thu mua nguyên liệu chộp giật, ít cơ sở đầu tư liên kết trồng rừng để tạo vùng nguyên liệu. Việc phát triển ồ ạt này gây khó cho quản lý, tạo tình trạng tranh mua, tranh bán gỗ nguyên liệu, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc và không loại trừ việc tiêu thụ, chế biến gỗ gian lận.Cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1539/VP-KTN chỉ đạo việc tăng cường quản lý cơ sở chế biến gỗ. Theo đó yêu cầu các lực lượng chức năng tiến hành rà soát các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình có vi phạm về địa điểm chế biến gỗ theo quy định. Đồng thời không xem xét cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân không đúng quy hoạch, không có nguồn nguyên liệu gỗ ổn định.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, hiện nay Chi cục đã xây dựng kế hoạch và triển khai tới các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh. Một mặt kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến, mặt khác có sự phối hợp với cơ quan có thẩm quyền cấp phép kiên quyết không cấp mới Đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân không chứng minh được vùng nguyên liệu ổn định.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()