Tăng cường quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị
(LSO) – Trước năm 2015, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng xây dựng không xin phép diễn ra phổ biến, công tác quản lý đô thị còn nhiều bất cập. Nhằm chấn chỉnh công tác này, từ năm 2016 đến nay, thành phố Lạng Sơn đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, được người dân đồng thuận thực hiện.
Xác định muốn xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn văn minh, thân thiện nhất thiết phải thực hiện hiệu quả công tác quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai. Ban Thường vụ Thành ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 02 ngày 12/8/2015 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác quản lý trật tự xây dựng giai đoạn 2015 – 2020; Nghị quyết số 28 ngày 3/5/2017 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác quản lý trật tự đô thị từ nay đến năm 2020…
Dự án khu đô thị Apec Diamond Park được triển khai theo đúng quy hoạch được duyệt
Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng chương trình, kế hoạch, thống nhất tổ chức thực hiện xuống tới từng thôn, khu phố (đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị). Lãnh đạo thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện tại từng xã, phường.
UBND thành phố đã phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị thành phố Lạng Sơn. Công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết xây dựng các phường, xã, khu chức năng đô thị được thành phố thực hiện bài bản, công khai, minh bạch để Nhân dân biết và thực hiện.
Từ năm 2014 đến tháng 9/2020, UBND tỉnh phê duyệt 14 đồ án quy hoạch lập mới, 71 đồ án điều chỉnh cục bộ; UBND thành phố Lạng Sơn phê duyệt 3 đồ án quy hoạch lập mới. Sau khi công bố công khai các đồ án quy hoạch, các phòng, ban và UBND các xã, phường đã tổ chức quản lý quy hoạch có hiệu quả. Các tuyến đường phố đều được quy hoạch chỉ giới đường đỏ làm cơ sở cho công tác cấp giấy phép và quản lý trật tự xây dựng, kiến trúc đô thị. Giai đoạn 2014 – 2020, thành phố Lạng Sơn đã xây dựng 58 tuyến phố văn minh đô thị, được người dân đồng tình ủng hộ.
Ông Lê Việt Hùng, số 27 Lương Văn Tri, phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Tôi thấy việc xây dựng tuyến phố văn minh là chủ trương rất đúng đắn của thành phố nhằm thu hút khách du lịch và tạo cho diện mạo đô thị thành phố Lạng Sơn văn minh hơn. Do vậy, mỗi người dân chúng tôi đều rất ủng hộ và nghiêm chỉnh chấp hành.
Về kiểm tra công trình xây dựng, từ năm 2016 đến hết tháng 9/2020, lực lượng chức năng của thành phố và các xã, phường đã kiểm tra trên 3.500 công trình, tỷ lệ công trình có giấy phép hằng năm đều đạt 95% trở lên. Riêng 9 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra 478 công trình xây dựng. Nhờ tăng cường công tác kiểm tra, số công trình xây dựng không có phép giảm mạnh qua từng năm. Nếu như năm 2017 qua kiểm tra, toàn thành phố có 12 công trình không có giấy phép; đến năm 2018 giảm xuống còn 9 công trình; năm 2019 có 7 công trình không có giấy phép và 9 tháng đầu năm 2020 giảm xuống còn 5 công trình không có giấy phép.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, thực hiện quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố Lạng Sơn luôn được UBND thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm và được thực hiện quyết liệt từ thành phố tới các phường, xã. Để tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xây dựng, thành phố đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giải quyết tốt nhu cầu cho người dân và doanh nghiệp.
Bước sang giai đoạn 2021 – 2025, công tác xây dựng và quản lý đô thị là 1 trong 5 chương trình công tác trọng tâm của cấp ủy, chính quyền thành phố. Theo đó, UBND thành phố tập trung nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, từng bước xây dựng chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh nhằm xây dựng thành phố Lạng Sơn xanh, sạch, văn minh, phát triển toàn diện.
Ý kiến ()