Tăng cường quản lý nợ thuế
LSO-Mặc dù ngành thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, song hiện nay, công tác quản lý, cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh giải đáp vướng mắc chính sách cho người nộp thuế |
Khó cưỡng chế
Khi đã phải dùng đến biện pháp cưỡng chế nợ thuế, tức là trước đó, ngành thuế đã phải triển khai nhiều hình thức đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí là nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng thực tế, việc cưỡng chế cũng ít đem lại hiệu quả. Ông Nguyễn Thiện Tùng, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết: Thường thì cơ quan thuế thực hiện biện pháp “trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài sản”. Nhưng biện pháp này chỉ thực sự có ý nghĩa khi số dư trên tài khoản đủ để thanh toán một phần hoặc toàn bộ cho các nghĩa vụ thuế. Trong khi đã có quy định buộc doanh nghiệp khai báo với cơ quan thuế về tài khoản, nhưng thực tế doanh nghiệp chỉ cung cấp tài khoản không còn tiền tại ngân hàng. Hoặc khi cơ quan thuế tìm được tài khoản thì doanh nghiệp lại nhanh chóng rút hết tiền, như vậy việc quyết định cưỡng chế trở nên vô hiệu.
Một biện pháp cưỡng chế khác đó là “kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu đủ tiền thuế, tiền phạt”. Tuy nhiên, với biện pháp này lại khó xác định quyền sở hữu của đối tượng nộp thuế với tài sản bị kê biên mà pháp luật không quy định để đăng ký (giấy tờ đăng ký, hóa đơn mua hàng). Hoặc việc xác định tỷ lệ trách nhiệm của người nợ thuế với tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp, hoặc xác định tỷ lệ tài sản đối với các tài sản có đồng sở hữu (đối với các doanh nghiệp là công ty cổ phần).
Giải pháp được cho là mạnh nhất đó là “thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập, giấy phép hành nghề”. Song khi áp dụng biện pháp này thì coi như doanh nghiệp sẽ phải giải thể và đương nhiên không thu được nợ…
Đẩy mạnh quản lý
Đến hết năm 2016, tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn tỉnh là 91.300 triệu đồng, tăng 6.070 triệu đồng so với cùng kỳ. Trong đó nhóm nợ khó thu là 28.475 triệu đồng; tiền nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày là 62.825 triệu đồng. Con số nợ còn khá lớn, đặc biệt nhóm khó thu chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, chỉ tiêu đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ phải thấp hơn 5% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Vì vậy, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đã được ngành thuế tỉnh triển khai quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm.
Trong đó, công tác đôn đốc, nhắc nhở, gửi thông báo vẫn tiếp tục được duy trì thường xuyên. Ghi nhận tại phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục thuế tỉnh sáng 14/3/2017, chỉ trong khoảng 30 phút, cán bộ thuế đã thực hiện đôn đốc qua điện thoại trên 15 trường hợp nợ thuế. Bên cạnh đó, một loạt thông báo được gửi đến các doanh nghiệp nợ đọng theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Bên cạnh những giải pháp được triển khai thường xuyên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ thuế, ngày 9/3/2017, Cục Thuế tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc quản lý, đôn đốc nợ thuế. Trong đó xác định từng nhóm nợ, khoản nợ cụ thể để có biện pháp xử lý. Ví như đối với thu nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, biện pháp không cung cấp các dịch vụ công (điện, nước, giấy phép sử dụng vật liệu nổ), thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, trước khi thực hiện biện pháp này, ngành thuế tạo điều kiện bằng cách để doanh nghiệp trả nợ theo lộ trình đến tháng 6/2017 nộp thấp nhất được 40-50% và đến hết năm 2017 phải nộp 100%. Hết thời hạn kể trên, doanh nghiệp nào không chấp hành đầy đủ thì Cục Thuế tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xử lý.
Đến nay, tổng số nợ thuế trên địa bàn là gần 91 tỷ đồng, giảm 327 triệu đồng so với nợ đầu năm. Và với những giải pháp cụ thể đang được triển khai hiện nay, công tác thu nợ thuế sẽ đạt được kết quả quan trọng trong thời gian tới.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()