Tăng cường quản lý nhà nước về mặt hàng sữa nước
Để có nguồn sản phẩm sữa tươi sạch, tinh túy từ thiên nhiên, Công ty cổ phần chuỗi thực phẩm TH đã áp dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới trong chăn nuôi bò và chế biến sữa. Trong ảnh: Chăm sóc bò sữa tại trang trại. Mặc dù nguồn sữa tươi mới đáp ứng được phần nhỏ cho sản xuất trong nước, nhưng phần lớn các sản phẩm sữa nước cung cấp cho thị trường hiện nay vẫn chưa công khai rõ ràng các thông tin về thành phần, xuất xứ nguyên liệu đầu vào.Điều đó dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm có những quy định chặt chẽ về quy trình sản xuất, chế biến và thông tin minh bạch về nguồn gốc, chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Để thực hiện tốt nội dung trên, cần thực hiện nghiêm ba vấn đề cụ thể như sau:Một là, cần quy định rõ việc ghi xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm.Ở các nước phát triển trên thế giới, uống sữa đã...
Để có nguồn sản phẩm sữa tươi sạch, tinh túy từ thiên nhiên, Công ty cổ phần chuỗi thực phẩm TH đã áp dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới trong chăn nuôi bò và chế biến sữa. Trong ảnh: Chăm sóc bò sữa tại trang trại. |
Điều đó dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm có những quy định chặt chẽ về quy trình sản xuất, chế biến và thông tin minh bạch về nguồn gốc, chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Để thực hiện tốt nội dung trên, cần thực hiện nghiêm ba vấn đề cụ thể như sau:
Một là, cần quy định rõ việc ghi xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm.
Ở các nước phát triển trên thế giới, uống sữa đã trở thành một nhu cầu thiết yếu hằng ngày và người tiêu dùng ở đó chỉ có thói quen uống sữa tươi. Sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại) chỉ được dùng để sản xuất các loại sữa lên men, sữa chức năng… Trong khi đó, tại Việt Nam, nếu chỉ so sánh trong khu vực Đông – Nam Á, mức tiêu thụ sữa nước vẫn ở mức thấp. Cụ thể là: Trong năm 2010, mức tiêu thụ sữa nước của người dân Thái-lan là hơn 30 lít/người/năm, Xin-ga-po là hơn 40 lít/người/năm và Ấn Độ là 45 lít/người/năm. Mặc dù người dân đã hình thành thói quen uống sữa và các sản phẩm về sữa nhưng mức tiêu thụ sữa tại Việt Nam cũng chỉ ở con số 13 lít/người/năm – thấp hơn rất nhiều so với thế giới. Tuy nhiên, chỉ có 16% lượng sữa tiêu thụ là sữa tươi (2 lít/người), phần còn lại, các doanh nghiệp phải nhập sữa bột để chế biến thành sữa nước hoàn nguyên.
Chất lượng sản phẩm sữa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố chính là quy trình chế biến và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào (thể hiện bằng xuất xứ của nguyên liệu).
Quy trình chế biến sữa tại Việt Nam hiện nay về cơ bản đều sử dụng công nghệ chế biến hiện đại theo tiêu chuẩn thế giới của Tetra Pak, GEA… ngoại trừ một vài cơ sở nhỏ sử dụng dây chuyền sản xuất sữa thanh trùng của Trung Quốc.
Xuất xứ nguồn nguyên liệu đầu vào bao gồm: Nguồn nguyên liệu từ sữa tươi và nguồn nguyên liệu từ sữa bột. Nguồn nguyên liệu từ sữa tươi: Sữa được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu sữa tươi khác nhau cũng tạo ra chất lượng khác nhau. Sữa tươi từ mô hình trang trại tập trung, chu trình khép kín hoàn toàn – nơi được kiểm soát từ khâu nguyên liệu thức ăn cho bò, quá trình chăm sóc thú y… tạo ra được nguồn sữa tươi đầu vào tinh túy so với sữa thu mua từ những cơ sở không có quy trình chăn nuôi đồng bộ.
Nguồn nguyên liệu từ sữa bột: Sữa bột pha lại dùng trong sản xuất sữa hoàn nguyên nếu được nhập từ các nước nổi tiếng có nền chăn nuôi bò và sản xuất tiên tiến như Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân… với hạn sử dụng còn dài sẽ có chất lượng và giá cả hoàn toàn khác với những sản phẩm sử dụng nguyên liệu đầu vào không rõ xuất xứ, nguồn gốc, sữa đã gần hoặc hết hạn sử dụng.
Do đó chất lượng và giá thành sữa phụ thuộc chủ yếu ở nguồn nguyên liệu đầu vào là rất lớn. Theo TCVN 7029:2002 đã có định nghĩa về “sữa hoàn nguyên”. Tuy nhiên, Thông tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng số 30/2010/TT-BYT lại không đề cập đến “sữa hoàn nguyên” mà chỉ có khái niệm chung về các loại sữa tiệt trùng với nội dung chưa rõ ràng.
Chính vì sự khác biệt rất lớn giữa giá cả và chất lượng nguyên liệu đầu vào này cùng với sự không đồng bộ trong các quy định trên dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn, làm ảnh hưởng tâm lý và quyền lợi của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất nghiêm túc, có định hướng phát triển bền vững trong thời gian qua.
Để tránh sự hiểu lầm cho người tiêu dùng về xuất xứ nguồn nguyên liệu của “sữa hoàn nguyên”, “sữa tươi” cũng như giảm những rủi ro có liên quan đến sức khỏe do sử dụng các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh, đề nghị các Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng sớm xem xét, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy định cụ thể về quy cách đặt tên sản phẩm thế nào là “sữa tươi”, “sữa hoàn nguyên”. Cần ban hành và định nghĩa rõ ràng các tiêu chí về dòng sữa nước.
Hiện tại, ở thị trường Việt Nam, các dòng sữa bột nhập ngoại đã ghi đầy đủ các tiêu chuẩn như xuất xứ nguyên liệu đầu vào, dòng sữa nước chiếm lớn nhất (72% thị trường nhập bột để làm sữa hoàn nguyên) cũng cần phải ghi rõ các tiêu chí này để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Bên cạnh những quy định hiện có trên bao bì sản phẩm như tên gọi, các thành phần dinh dưỡng… doanh nghiệp phải có trách nhiệm công khai rõ xuất xứ nguồn nguyên liệu đầu vào trên bao bì nhãn mác để người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm theo mong muốn. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền bảo đảm về tính chính xác của các thông tin cũng như bảo hộ thương hiệu của sản phẩm đó.
Hai là, các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra và phân loại các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường.
Sản phẩm sữa là sản phẩm giàu dinh dưỡng và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Nhà sản xuất luôn cam kết không có các sản phẩm lỗi trên thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, lưu thông, phân phối, vẫn có trường hợp sữa bị hỏng do các điều kiện khách quan như yếu tố môi trường, điều kiện vận chuyển, bảo quản sử dụng… Điều này là hết sức bình thường, hoàn toàn không phải do chất lượng sản phẩm gây ra.
Trên thị trường hiện nay có nhiều yếu tố cạnh tranh không lành mạnh gây bất lợi cho các nhà sản xuất. Như tin đồn trong sữa có sinh vật lạ mới đây đã lan truyền nhanh chóng trên thị trường và gây hoang mang lo ngại trong cộng đồng. Việc này đã được các nhà khoa học, các cơ quan chức năng vào cuộc rất kịp thời và trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng, khẳng định sinh vật lạ không thể tồn tại trong các loại sữa được sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại, khép kín; giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về chất lượng sản phẩm trên thị trường không gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp. Nhưng sự vào cuộc và giải thích của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các cơ quan chức năng không loại trừ điều đó sẽ xảy ra đối với các loại sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đầu vào. Báo chí cũng đã đưa tin về trường hợp sữa giả được làm từ sáu loại ngũ cốc, sữa có chất độc hại gây ung thư… khiến người tiêu dùng băn khoăn khi lựa chọn sản phẩm sữa và đặt câu hỏi là liệu thị trường Việt Nam có những loại sản phẩm như trên không ?
Từ thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thành lập các Ban kiểm tra liên ngành (đặc biệt có sự vào cuộc của Bộ Công an) để tiến hành kiểm tra, rà soát lại thị trường sữa, phân loại ngay tất cả các sản phẩm đủ tiêu chuẩn lưu hành và cấm bán các sản phẩm sữa không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Từ đó mới bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như ổn định và tạo môi trường phát triển lành mạnh cho ngành sữa ở Việt Nam.
Ba là, xử lý nghiêm các vi phạm.
Chất lượng của sản phẩm sữa tươi nước và sữa nước làm từ sữa bột hoàn nguyên là hoàn toàn khác biệt. Sữa tươi sạch được sản suất theo công nghệ cao sẽ có chất lượng và giá cả khác hoàn toàn với sản phẩm sữa tươi từ dây chuyền chế biến không được kiểm soát tốt. Mà đòi hỏi vô cùng chính đáng của người tiêu dùng là có quyền được lựa chọn sản phẩm mà họ mong muốn, được mua hàng đúng chất lượng, đúng giá trị (tiền nào của nấy). Vì thế, để bảo đảm quyền lợi cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng được hưởng lợi từ sản phẩm tươi sạch, các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung và yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất, gia công, kinh doanh sữa phải công khai, minh bạch các thông tin ghi trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm sữa như đề xuất ở trên và chịu trách nhiệm về các thông tin này. Luật An toàn thực phẩm đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011 cần phải được thực thi nghiêm túc, doanh nghiệp vi phạm phải bị xử lý nghiêm và chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật (bị thu hồi giấy phép kinh doanh, xử lý hình sự…). Vì nếu mức phạt không đủ mạnh (chỉ bằng phạt hành chính) thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục làm giả, làm kém chất lượng khi thấy lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần.
Mong rằng, những vấn đề này sớm được các Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng tùy theo thẩm quyền của mình nhanh chóng vào cuộc để đưa ra quyết định và bộ quy chuẩn cho tất cả các sản phẩm sữa một cách rõ ràng, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đó cũng là cách bảo vệ các nhà sản xuất chân chính, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh để người tiêu dùng được hưởng lợi và nhà sản xuất không ngừng phấn đấu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()