Tăng cường quản lý, kiểm soát các tác động tiêu cực đối với tài nguyên nước
Biến đổi khí hậu, đô thị hóa và những tác động tiêu cực của con người đang khiến nguồn nước ngày càng ô nhiễm và suy giảm nghiêm trọng. Các chuyên gia môi trường cảnh báo, nếu không có biện pháp khắc phục, kiểm soát các tác động tiêu cực đối với nguồn nước thì nguồn tài nguyên của chúng ta sẽ có nguy cơ cạn kiệt hoàn toàn, khó có thể khôi phục lại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: anninhthudo.vn) |
Ô nhiễm nguồn nước ngầm ngày càng nghiêm trọng
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong bối cảnh gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hoá ngày càng cao khiến nguồn nước (kể cả nước mặt lẫn nước ngầm) tại nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn bị ô nhiễm và suy giảm trữ lượng. Tại Hà Nội, kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, nguồn nước ngầm tự nhiên bị nhiễm asen ở cả hai tầng Holocene và Pleistocene (nông và sâu), nghiêm trọng nhất là ở khu vực phía Nam của thành phố.
Cụ thể, các chuyên gia đã kiểm tra, lấy mẫu định kỳ về ô nhiễm asen tại 34 điểm là các hộ dân sống gần 13 nhà máy nước chính và 4 trạm cấp nước đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, 46% các địa điểm lấy mẫu có hàm lượng asen liên tục vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tiêu chuẩn Việt Nam. Hầu hết các điểm phát hiện giàu asen đều nằm gần các nhà máy nước: Nam Dư, Yên Phụ, Lương Yên, Gia Lâm, Pháp Vân và Linh Đàm. Sự biến động lớn của nồng độ asen theo thời gian cũng được các chuyên gia ghi nhận. Theo đó, tại các thời điểm giàu asen, nồng độ cao nhất xảy ra vào các quý II và IV, thấp nhất vào quý I và quý III trong một năm.
Cùng với việc ô nhiễm nguồn nước ngầm, các sông hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nơi có các khu công nghiệp lớn và đông dân cư đều bị ô nhiễm. Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn.
Theo ông Triệu Đức Huy – Trung tâm Quy hoạch & Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, tại một số đô thị, việc khai thác nước dưới đất đã và đang có những biểu hiện suy thoái cả về chất và lượng: cạn kiệt nguồn nước; suy giảm chất lượng nguồn nước do nhiễm bẩn, xâm nhập mặn và xáo trộn mực nước.
Kiểm soát các tác động tiêu cực đối với tài nguyên nước
Theo các chuyên gia về môi trường, một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm ô nhiễm là do tác động của sự phát triển công nghiệp, làng nghề cũng như sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Riêng với ngành công nghiệp dệt may, công nghiệp giấy và bột giấy, hàm lượng nước thải có chứa xyanua (CN-) và hàm lượng NH3 vượt đến 84 lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn, việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước ngày càng khó khăn khi nhà máy vẫn mọc lên với mật độ dày đặc, trong khi việc xử lý nguồn nước thải hầu như không được chú trọng… Điều này khiến nguồn nước ngày càng ô nhiễm.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên nước, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra kế hoạch hành động quốc gia, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm để quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước. Đồng thời, hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước; tăng cường các biện pháp kiểm soát các tác động tiêu cực đối với tài nguyên nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức và quản lý, bảo vệ tài nguyên nước…
Đồng thời Bộ cũng đặt nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 của ngành là đẩy mạnh thực thi pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành. Một trong những lĩnh vực quan trọng được tập trung thanh, kiểm tra là việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông.
Nhằm nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo vệ nguồn nước, các chuyên gia nghiên cứu về môi trường nước cho rằng, cần phải lập hành lang bảo vệ nước, gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; đầm, đầm phá; sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng… Hoàn thiện hệ thống văn bản các quy định về việc quản lý và kiểm soát khí thải và nước thải công nghiệp theo đúng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải bỏ chi phí khắc phục ô nhiễm. Xây dựng hệ thống thông tin giám sát môi trường và ngân hàng dữ liệu môi trường thành phố (đất, nước, không khí) theo hướng tích hợp thông tin.
Bên cạnh đó, các tỉnh, UBND tỉnh cần cắm mốc chỉ giới và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. UBND cấp tỉnh sẽ xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng các nguồn nước trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, cấp xã cũng cần thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()