Tăng cường quản lý khai thác vật liệu xây dựng thông thường
(LSO) – Lạng Sơn được đánh giá là địa phương có tiềm năng rất lớn về khoáng sản là đá vôi sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường. Các mỏ và điểm mỏ tập trung chủ yếu ở các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Tràng Định, Bình Gia và Bắc Sơn. Bên cạnh việc tập trung quy hoạch các điểm mỏ để khai thác phục vụ nhu cầu vật liệu xây dựng, tỉnh đề ra nhiều giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Hoạt động khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá Đồng Mỏ, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng
Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung và khoáng sản là đá vôi nói riêng trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp. Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh ban hành nhiều văn bản để thống nhất quản lý như: quy hoạch mỏ, điểm mỏ, cấp giấy phép khai thác. Bên cạnh đó, hằng năm các ngành chức năng còn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, cũng như tập trung bảo vệ và ngăn chặn hoạt động khai thác đá vôi trái phép.
Cao Lộc là một trong những huyện có hoạt động khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường diễn ra khá sôi động, các mỏ, điểm mỏ được tỉnh cấp phép khai thác còn hiệu lực tập trung chủ yếu tại các xã: Phú Xá, Hồng Phong. Để quản lý cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát các mỏ khai thác đá vôi, hằng năm huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra các mỏ và điểm mỏ có sự tham gia của chính quyền các xã có mỏ đang hoạt động. Từ năm 2012 đến giữa tháng 10/2018, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương và UBND các xã kiểm tra được 18 cuộc về hoạt động khai thác các mỏ đá. Qua kiểm tra phát hiện, chỉ ra những tồn tại, bất cập trong hoạt động khai thác đá xây dựng và yêu cầu các doanh nghiệp khai thác phải khắc phục. Đáng chú ý thông qua kiểm tra, Sở Công thương xử lý và thu hồi giấy phép nổ mìn của một doanh nghiệp khai thác đá vi phạm trong lĩnh vực sử dụng vật liệu nổ trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Ông Nguyễn Thế Tập, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Lộc cho biết: Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát cho thấy, việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động khai thác đá xây dựng trên địa bàn đã dần đi vào nền nếp. Trong đó đặc biệt là hoạt động nổ mìn, xử lý khói bụi, khắc phục môi trường trong khu vực khai thác mỏ đã được các chủ mỏ chấp hành ngày càng tốt hơn.
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh còn 41 mỏ và điểm mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường đã được tỉnh cấp giấy phép khai thác còn hiệu lực. Trong đó: huyện Hữu Lũng có 26 giấy phép, Chi Lăng có 3 giấy phép, Cao Lộc có 4 giấy phép, còn lại tập trung ở các huyện: Văn Lãng, Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn. Ngoài tham mưu quản lý các mỏ đang khai thác, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có khoáng sản là đá vôi sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp phép khai thác khoáng sản, hằng năm Sở Tài Nguyên và Môi trường đều xây dựng kế hoạch kiểm tra các mỏ và điểm mỏ. Theo đó, sở xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra ít nhất 2 cơ sở trong một năm, đồng thời thực hiện kiểm tra đột xuất khi có phát sinh theo đơn thư phản ánh của người dân.
Không chỉ Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở ngành liên quan và UBND các huyện cũng thường xuyên kiểm tra hoạt động khai thác đá xây dựng thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý. Bên cạnh việc kiểm tra, các sở ngành liên quan còn hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng hoàn thiện thủ tục hồ sơ thực hiện dự án như: hồ sơ đầu tư dự án; thiết kế mỏ, phương án bảo vệ môi trường… Qua đó, hoạt động khai thác khoáng sản là đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp.
TRANG NINH
Ý kiến ()