Tăng cường quản lý, khai thác nguồn nước mặt
LSO-Để quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước nói chung và nguồn nước mặt nói riêng, những năm qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng, các đơn vị khai thác nguồn nước trên địa bàn tỉnh đã có những giải pháp tích cực, góp phần quan trọng trong phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Nhân viên Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn áp dụng công nghệ mới, góp phần tăng chất lượng và giảm tỷ lệ tổn thất nước |
Là đơn vị khai thác, sử dụng nguồn nước mặt phục vụ cho sinh hoạt của người dân, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp. Anh Trần Xuân Tiến, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Vận hành giám sát mạng cấp nước thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2014, công ty đưa vào sử dụng hệ thống mạng giám sát Scada từ xa (hệ thống này cho phép quản lý toàn bộ quá trình cung cấp nước từ đầu vào đến khách hàng tiêu thụ). Thông qua hệ thống, người điều hành có thể quan sát, quản lý được các chỉ số quan trọng như: lưu lượng nước đầu vào, áp lực, độ đục, các chỉ tiêu vi sinh,… Từ đó, đưa ra cảnh báo những khu vực có áp lực cao, hay xảy ra sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời. Vì vậy, đảm bảo được việc điều hành, điều tiết nguồn nước phù hợp, giảm tổn thất.
Hiện tại, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Lạng Sơn có 11 trạm khai thác nguồn nước mặt, chủ yếu ở trên sông Kỳ Cùng, hồ Nà Tâm. Trong 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng khai thác đạt gần 5 triệu mét khối nước (gồm cả khai thác từ nguồn nước mặt và nước ngầm). Để khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, hằng tháng công ty thực hiện kiểm tra định kỳ, thay thế, sửa chữa đối với các trạm bơm, đường ống ; phối hợp với Chi cục Quan trắc thực hiện quan trắc theo quy định để phát hiện, xử lý các vấn đề về chất lượng, trữ lượng nước; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác nguồn nước; căn cứ vào nhu cầu sử dụng của người dân, xây dựng kế hoạch khai thác, cung cấp cho phù hợp theo từng mùa;… Từ đó tỷ lệ tổn thất ngày càng giảm, hiện nay còn 30%, giảm 5% so cùng kỳ 2015.
Theo Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, lượng nước mặt chủ yếu ở các hệ thống sông gồm: Kỳ Cùng, Thương, Lục Nam, Ba Chẽ là gần 5 tỷ mét khối; tại các hồ chứa là 0,135 tỷ mét khối. Các đơn vị khai thác, sử dụng nguồn nước mặt với tổng lượng khai thác là gần 290 triệu mét khối /năm. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước mặt chủ yếu phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, một phần tạo nguồn cấp nước cho công trình cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Để nâng cao công tác quản lý, khai thác nguồn nước mặt, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ sở dữ liệu, các nhiệm vụ công tác về lĩnh vực tài nguyên nước. Đặc biệt, công tác cấp phép tài nguyên nước được chú trọng. Hiện nay, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh thẩm định, cấp 127 giấy phép quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân (trong đó, cấp 34 giấy phép khai thác nước mặt).
Xác định tầm quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, tháng 8/2015, UBND tỉnh đã Quyết định phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Lạng Sơn đến 2020 tầm nhìn đến 2030. Đây là tài liệu hết sức quan trọng, là cơ sở để quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh hiệu quả, tiết kiệm phục vụ cho các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ nguồn nguồn nước mặt, sở triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền Luật Tài nguyên nước sửa đổi năm 2012; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đúng quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()