Tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng
- Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh đã tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường. Qua đó, vừa góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn.
Lạng Sơn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, chủ yếu làm VLXD thông thường như: đá vôi, sét gạch ngói, đất san lấp... Từ năm 2023 đến nay, ngành chức năng đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng 4 mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường; cấp 1 giấy phép thăm dò, điều chỉnh 2 giấy phép khai thác. Song song với quy hoạch, phê duyệt trữ lượng các điểm mỏ khai thác phục vụ nhu cầu VLXD, ngành chức năng tỉnh, chính quyền các cấp cũng thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Là địa bàn có 26 doanh nghiệp (DN) hoạt động khai thác khoáng sản, thời gian qua, huyện Hữu Lũng đã tích cực quản lý nhằm bảo vệ, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên. Ông Trịnh Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện cho biết: Các DN chủ yếu khai thác đá vôi, cát sỏi, đất san lấp làm VLXD thông thường với công suất trung bình đạt 161.000 m3/năm. Để khai thác hiệu quả, bền vững, hằng năm, phòng tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động khai thác của các DN; kiểm tra, làm rõ nội dung khi có đơn thư người dân phản ánh liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, phòng tích cực phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn về lĩnh vực khoáng sản, môi trường cho cán bộ phụ trách, công nhân làm việc tại các điểm mỏ. Từ năm 2023 đến nay, Phòng TN&MT huyện đã phối hợp tuyên truyền được 15 cuộc với trên 1.100 lượt người tham dự. Nhờ đó, các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện luôn nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan.
Tương tự huyện Hữu Lũng, các huyện trong tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD. Theo thống kê của Sở TN&MT, toàn tỉnh hiện có 47 giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường còn hiệu lực. Các mỏ và điểm mỏ tập trung chủ yếu ở các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc...
Để đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên khoáng sản nói chung, hằng năm Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, BVMT; đôn đốc, hướng dẫn các DN thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường sau khi giấy phép khai thác hết hiệu lực.
Ngoài ra, Sở TN&MT tích cực phối hợp với UBND các huyện thanh, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về đất đai, khoáng sản, BVMT trong quá trình hoạt động... Qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện, chỉ ra những tồn tại, bất cập trong hoạt động khai thác và yêu cầu các DN khai thác phải khắc phục.
Từ năm 2023 đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND các huyện thanh, kiểm tra 23 DN hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường; phối hợp kiểm tra 5 mỏ khoáng sản do Bộ TN&MT cấp phép; xử phạt vi phạm hành chính 8 tổ chức với số tiền 745 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là khai thác không theo thiết kế đã được phê duyệt; khai thác vượt ranh giới, công suất cho phép…
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản thời gian qua đã đạt kết quả tích cực. Các DN khai thác khoáng sản đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định; quan tâm đến kỹ thuật khai thác, quy định về bảo vệ, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường...
Ông Dương Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đá Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) cho biết: Là DN khai thác đá vôi làm VLXD, thời gian qua, đơn vị luôn chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính; trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động... Đồng thời, chú trọng thực hiện công tác BVMT trong quá trình khai thác.
Ông Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác; thường xuyên rà soát các giấy phép khai thác hết hiệu lực để yêu cầu tổ chức, cá nhân lập đề án đóng cửa mỏ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị hoạt động khai thác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, BVMT... Đồng thời, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý khoáng sản, BVMT trên địa bàn.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh. Qua đó vừa góp phần tạo thuận lợi cho các DN hoạt động đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ xây dựng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ý kiến ()