Tăng cường quản lý hoạt động xả nước thải
LSO - Theo Dự án quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tổng lượng nước xả thải vào nguồn nước của các đơn vị xả thải là gần 1.800.000 m3/năm. Hoạt động xả thải chủ yếu từ nước thải sinh hoạt, nước thải từ các bệnh viện huyện, thành phố và nước thải trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản.
![]() |
Hệ thống xử lý nước xả thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Để đảm bảo nước thải trước khi thải không gây ô nhiễm, nhiều đơn vị đã chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhất là các đơn vị có lượng nước xả thải lớn. Ông Phạm Văn Bình, Trưởng Phòng Hành chính, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Để đảm bảo nước thải không gây ô nhiễm, đơn vị đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải; làm các thủ tục và được UBND tỉnh cấp phép xả nước thải vào nguồn nước năm 2012, có thời hạn đến ngày 24/8/2017.
Hiện nay, toàn bộ lượng nước thải của bệnh viện được phân làm 3 luồng chính gồm: nước mưa chảy tràn; nước thải sinh hoạt được xử lý qua hệ thống bể tự hoại; nước thải y tế được đưa về trạm xử lý nước thải của bệnh viện. Qua đó xử lý nước thải đảm bảo an toàn khi xả thải không gây ô nhiễm môi trường.
Là một trong những đơn vị có lượng nước thải lớn nhất trên địa bàn tỉnh với lưu lượng xả thải trung bình 4.500 m3/ngày đêm, công ty than Na Dương đặc biệt quan tâm việc xử lý nước thải. Ông Chu Đình Thỏa, Phó Giám đốc công ty cho biết: Để nước thải đảm bảo tiêu chuẩn quy định, không gây ô nhiễm môi trường, công ty tiến hành thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ dùng dung dịch sữa vôi, keo tụ, lọc cát mangan; thực hiện các biện pháp quan trắc, xin cấp phép và được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp phép xả nước thải vào nguồn nước năm 2014.
Thời gian qua, Sở TN&MT đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước (TNN), nhất là trong việc thống kê, kiểm kê công trình khai thác, sử dụng TNN, hoạt động xả nước thải vào nguồn nước; cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ xây dựng hệ thống công trình xử lý nước thải, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải;….
Theo đánh giá của Phòng TNN, Sở TN&MT, thời gian qua, bằng sự chủ động các biện pháp nên trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Đặc biệt, các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có lượng nước xả thải lớn đều đã được cấp giấy phép xả thải. Đến nay, sở đã trình UBND tỉnh cấp được 15 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho các đơn vị.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để quản lý hiệu quả TNN, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh quản lý tốt các hoạt động khai thác, sử dụng TNN. Đặc biệt, quản lý chặt chẽ hoạt động xả nước thải vào nguồn nước. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về TNN; thanh tra, kiểm tra sau cấp phép nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động liên quan có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Đồng thời, thúc đẩy quá trình tham gia và hỗ trợ của cộng đồng dân cư tại những khu vực có nguy cơ nguồn nước bị ô nhiễm trong việc giám sát, phát hiện kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước và kiên quyết xử lý triệt để.
Bài, ảnh: Đỗ Hoạt
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()