Tăng cường quản lý hoạt động lễ hội xuân
LSO-Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 lễ hội; trong đó 170 lễ hội được tổ chức thường xuyên với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Nhằm đưa công tác quản lý lễ hội đi vào nề nếp, tháng 10/2017, UBND tỉnh đã có Công văn số 1052/UBND-KGVX về việc tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Lễ hội Lồng tồng xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) |
Lễ hội ở Lạng Sơn được diễn ra từ ngày 4 tháng Giêng cho đến cuối tháng 4 âm lịch. Các lễ hội chủ yếu là lễ hội lồng tồng (dân gian truyền thống gắn với tín ngưỡng đồng bào các dân tộc), chiếm trên 80%. Hằng năm, công tác tổ chức lễ hội đều do các Ban Quản lý di tích đền chùa và chính quyền cơ sở cấp xã, phường, thị trấn chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhằm khắc phục tình trạng lễ hội tràn lan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng – mừng xuân ngay từ đầu năm. Trên cơ sở đó, UBND các huyện và thành phố đã lựa chọn 13 lễ hội tiêu biểu để trực tiếp chỉ đạo, tổ chức. Trong đó, lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn) được chỉ đạo tổ chức gắn với Tuần lễ Văn hoá – Du lịch (VHDL) của tỉnh.
Công tác tổ chức hoạt động lễ hội điểm tại các địa phương đã bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá gắn với hoạt động tâm linh. Lễ hội được tổ chức chu đáo với phần lễ và phần hội; nội dung chương trình lễ hội đã kết hợp hoạt động giao lưu văn hoá như: hát then, hát sli, hát lượn; tổ chức thi đấu giao hữu các môn thể thao dân tộc: tung còn, kéo co, đẩy gậy, múa sư tử… Tuy nhiên, một số lễ hội lồng tồng tại các xã, công tác tổ chức còn tẻ nhạt; nội dung chưa phong phú, dòng người kéo đến hội chủ yếu là thăm hỏi người quen, họ hàng khu vực gần nơi diễn ra hội và giao lưu ẩm thực.
Nhìn chung công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực. Các đơn vị chức năng làm tốt công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: biên tập tài liệu tuyên truyền, lắp đặt, thay mới nội dung trên 5.000 m2 pa nô, treo trên 300 băng rôn khẩu hiệu, 10.000 m cờ dây, 5.000 cờ phướn, trang trí cờ, hoa trên một số tuyến đường phố chính tại trung tâm thành phố, các thị trấn và tại một số địa bàn trọng điểm. Công tác tổ chức hoạt động lễ hội được ngành chức năng chỉ đạo, Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý. Ban quản lý các đền, chùa có lễ hội xây dựng phương án đảm bảo công tác lễ tân, hậu cần; thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác an ninh trật tự, bảo đảm giao thông. Đồng thời tuyên truyền người dân chấp hành các quy định về trật tự, văn minh; nghiêm cấm các hành vi vi phạm di tích và các hoạt động dịch vụ xung quanh khu vực diễn ra lễ hội. Lễ hội đầu năm đã cơ bản khắc phục được tình trạng gây phản cảm như: lôi kéo, chộp giật khách du lịch; đổi tiền lẻ, đặt tiền bừa bãi tại các ban thờ, đốt hương vàng tràn lan tại các di tích đã giảm…
Thực hiện Công văn số 5635/ BVHTTDL và Công văn 1052/ UBND tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, Sở VHTTDL đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất nhằm khơi dậy bảo tồn các giá trị văn hoá; trong đó tập trung cao điểm tổ chức Tuần VHDL của tỉnh. Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Ban Chỉ đạo các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Mậu Tuất đã xây dựng một chương trình tổng thể gồm chuỗi các hoạt động xuyên xuốt trong tuần VHDL; trong đó Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức đưa thêm một số hoạt động mới vào nội dung Tuần VHDL như: thi đấu bóng chuyền hơi quốc tế, tổ chức bảo tồn lễ hội Phài Lừa được Bộ VHTTDL công nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia năm 2017. Thông qua hoạt động này nhằm tiếp tục quảng bá tiềm năng, hình ảnh và con người Xứ Lạng đến với du khách gần xa. Đối với các huyện, thành phố, tiếp tục chọn lựa 1 lễ hội tiêu biểu chỉ đạo công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá. Trên cơ sở đó tiếp tục công tác kiểm tra, xử lý những mặt còn tồn tại trong lễ hội, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoạt động hưởng thụ văn hoá văn minh lành mạnh tại các lễ hội; đấu tranh ngăn chặn các hành vi gây phản cảm tại các lễ hội.
PHAN CẦU
Ý kiến ()