Tăng cường quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập
LSO-Theo thống kê của ngành y tế, toàn tỉnh Lạng Sơn có 125 cơ sở hành nghề y và 224 cơ sở kinh doanh dược phẩm, trong đó tập trung nhiều trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.
LSO-Theo thống kê của ngành y tế, toàn tỉnh Lạng Sơn có 125 cơ sở hành nghề y và 224 cơ sở kinh doanh dược phẩm, trong đó tập trung nhiều trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Trong những năm qua, các cơ sở này đã góp phần cùng y tế công lập thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, tuy nhiên công tác thanh kiểm tra là rất cần thiết để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Phòng khám Đa khoa tư nhân Xứ Lạng cấp phát thuốc BHYT cho người cao tuổi |
Riêng 10 tháng đầu năm 2013 Thanh tra Sở Y tế đã mở 2 cuộc thanh kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm với tổng số 75 cơ sở. Trong đó có 36 cơ sở hành nghề y (3 phòng khám đa khoa, 14 phòng chuyên khoa, 7 cơ sở chẩn trị y học cổ truyền, 4 cơ sở trồng răng, 1 cơ sở dịch vụ xoa bóp, massage, 7 cơ sở dịch vụ kính thuốc); 33 cơ sở kinh doanh dược phẩm, 6 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, mỹ phẩm. Có một nhận xét chung là các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh đã có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật về hành nghề y dược, các chủ cơ sở và các nhân viên hành nghề đều có chứng chỉ bằng cấp theo quy định. Theo đồng chí Hà Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế, Lạng Sơn nói chung và thành phố Lạng Sơn nói riêng với diện tích nhỏ và dân số ít, mặt khác lại có tới 89% người dân tham gia bảo hiểm y tế, nên ít cơ sở hành nghề y ngoài công lập. Mặt khác, hầu hết các phòng khám đa khoa, chuyên khoa đều chữa trị những căn bệnh thông thường, vì nếu bị các bệnh nặng, bệnh nan y hoặc nhu cầu thẩm mỹ, người dân đều về Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, thanh tra vẫn có tới 40 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 53,3% tổng cơ sở được kiểm tra), trong đó có 25 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền là 30 triệu đồng; có 5 cơ sở vi phạm có tang vật bị thu giữ để tiêu hủy gồm 26 loại mỹ phẩm, một cơ số thuốc cấp cứu chuyên khoa quá hạn sử dụng, 116 chai nhựa 500ml đựng thuốc y học cổ truyền và 74 kg thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc.
Trước sự phát triển nhanh về khoa học y học, nhiều phòng khám đã đầu tư mua sắm thiết bị kỹ thuật mới, có đội ngũ cán bộ nhân viên tốt về tay nghề, có lương tâm nghề nghiệp, hoặc ký hợp đồng với đội ngũ y bác sĩ có trình độ, có tay nghề cao đang công tác tại các bệnh viện công để làm ngoài giờ. Điều cơ bản là các phòng khám đa khoa, chuyên khoa thực hiện làm ngoài giờ, đáp ứng được nhu cầu của người dân, nên từng bước các cơ sở này tạo lập được uy tín, hoạt động có hiệu quả, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công. Song từ thực tế thanh kiểm tra cho thấy, hoạt động y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh và thành phố vẫn còn phức tạp. Sự phức tạp nằm ngay trong việc các phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân dùng nhiều mánh lới để chèo kéo, tư vấn bệnh không đúng với thực trạng của bệnh, nhiều khi xuyên tạc sự tiến bộ về kỹ thuật của các bệnh viện lớn để “lôi” bệnh nhân đến với mình; lạm dụng thuốc, xét nghiệm trong quá trình chẩn đoán và điều trị, niêm yết giá dịch vụ không đầy đủ. Người bệnh chỉ đi khám một bệnh, nhưng phòng khám lại tư vấn làm nhiều xét nghiệm không cần thiết để lấy thêm tiền công, kê thêm nhiều loại thuốc không cần thiết. Một số cơ sở hành nghề không đúng địa điểm ghi trong giấy phép. Đặc biệt, các cơ sở kính thuốc không có người phụ trách chuyên môn theo quy định… Đối với các quầy dược tư nhân, hầu hết đã tuân thủ đúng quy định về kinh doanh, có cửa hàng thuận tiện, thực hiện niêm yết giá…Tuy vậy, cũng còn nhiều cửa hàng dược, nhất là những cửa hàng nhỏ lẻ chưa tuân thủ đúng quy định về niêm yết giá, nhiều nơi có hiện tượng tăng giá đột biến vào những thời điểm “nhạy cảm” về giá thuốc. Là một tỉnh miền núi biên giới, tình trạng lộn xộn thường xảy ra trong lĩnh vực y học cổ truyền. Bên cạnh những lương y có danh tiếng, có chứng chỉ hành nghề, có phòng chẩn trị, khám và bốc thuốc, vẫn còn tồn tại nhiều “ông lang vườn” bung ra theo cơ chế thị trường, còn nhiều “bà mế” rởm với những nải thuốc rong bán cho khách du lịch với những loại rễ cây, lá nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc.
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 10 tháng đầu năm 2013, có tới 79/125 cơ sở hành nghề y và 118/224 cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh không có báo cáo cho ngành theo định kỳ. Điều đó chứng tỏ ý thức coi thường các quy định của pháp luật của các chủ cơ sở này. Trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh vẫn quá tải; hầu hết các trạm y tế xã đều ở tình trạng dưới 50% danh mục thuốc quy định theo tuyến, thì y dược tư nhân vẫn là địa chỉ cần thiết của nhiều người dân. Tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm túc là hành động cần thiết để bảo vệ người bệnh và góp phần chấn chỉnh khu vực y, dược ngoài công lập, đưa hoạt động của y, dược công lập vào đúng khuôn khổ của pháp luật là sự mong mỏi chung của người dân đối với ngành y tế.
MINH HỒNG
Ý kiến ()