Tăng cường quản lý giá sữa
Người tiêu dùng chọn mua sữa tại Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: THANH ĐẠM Từ sau Tết Nhâm Thìn 2012 đến nay, nhiều loại sữa nhập khẩu và sản xuất trong nước tăng giá khá cao ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm ảnh hưởng trực tiếp người tiêu dùng. Lý do tăng giá được các doanh nghiệp (DN) đưa ra rất nhiều nhưng chưa thuyết phục.Nhiều loại sữa tăng giáVừa nhận được lương tháng, chị Nguyễn Thị Trâm (ở ngõ 27 phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) đến ngay đại lý sữa trên phố Ngọc Hà (quận Ba Đình) mua hai hộp sữa bột Enfagrow loại 680 g (dành cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên và tám vỉ sữa chua Vinamilk) với giá gần 1,5 triệu đồng. Số sữa này chỉ đủ dùng trong một tháng cho con. Cùng chung tâm trạng của người làm cha, làm mẹ, nhiều người có con nhỏ đều lo lắng khi giá sữa tăng cao. Đối phó tăng giá sữa những gia đình có thu nhập ổn định thì tìm cách cắt bớt các khoản chi tiêu khác để bù vào...
Người tiêu dùng chọn mua sữa tại Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: THANH ĐẠM |
Nhiều loại sữa tăng giá
Vừa nhận được lương tháng, chị Nguyễn Thị Trâm (ở ngõ 27 phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) đến ngay đại lý sữa trên phố Ngọc Hà (quận Ba Đình) mua hai hộp sữa bột Enfagrow loại 680 g (dành cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên và tám vỉ sữa chua Vinamilk) với giá gần 1,5 triệu đồng. Số sữa này chỉ đủ dùng trong một tháng cho con. Cùng chung tâm trạng của người làm cha, làm mẹ, nhiều người có con nhỏ đều lo lắng khi giá sữa tăng cao. Đối phó tăng giá sữa những gia đình có thu nhập ổn định thì tìm cách cắt bớt các khoản chi tiêu khác để bù vào mua sữa. Những gia đình khó khăn thì chỉ còn cách đổi loại sữa, hoặc giảm bớt khẩu phần của con mình.
Cuối năm 2011, các hãng sữa đã tiến hành nhiều đợt tăng giá. Tháng 12-2011, Công ty Mead Johnson đã tăng giá khoảng 18 đến 19% cho ba dòng sản phẩm. Công ty dược phẩm 3A, đơn vị phân phối sữa Abbott, điều chỉnh giá tăng khoảng 9%. Nestle Việt Nam tăng giá các sản phẩm sữa từ 8 đến 10%… Sau đợt tăng giá các loại sữa nhập khẩu vào cuối năm 2011, đến đầu năm nay, các hãng đều lần lượt tăng giá. Ngày 23-1, Vinamilk tăng giá từ 5 đến 7%, trong đó sữa tươi tăng từ 24 nghìn lên 26 nghìn đồng/vỉ bốn hộp, sữa chua từ 17 nghìn lên 19 nghìn đồng/vỉ… Ngày 13-2, Công ty Fonterra Brands Việt Nam tăng giá từ 5 đến 10% cho 12 sản phẩm sữa bột gồm sữa bột Anlene, sữa nước Anlene và sữa dành cho phụ nữ mang thai Anmum… Một số sản phẩm sữa nước và sữa đặc có đường của Công ty FrieslandCampina Việt Nam như Cô gái Hà Lan, Yomost, Fristi… cũng tăng giá 5%, bắt đầu từ ngày 13-2. Chị Nguyễn Thị Trâm cho biết: Theo dõi diễn biến tăng giá, thấy thường thì các hãng sữa không đơn lẻ tăng giá, mà nhiều hãng cùng tăng hoặc tăng ở nhiều sản phẩm. Do vậy khách hàng không có nhiều sự lựa chọn.
Sữa nằm trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu được Nhà nước quản lý về giá, không được phép tăng giá quá 20%; nhưng mặt khác, sản phẩm này lại được kinh doanh theo cơ chế thị trường. DN được tự quyết và chịu trách nhiệm về giá, miễn là mỗi lần tăng không quá 20%. Lợi dụng yếu tố này, các DN tăng từ 3 đến 19%. Cũng chưa có quy định nào về khoảng cách tối thiểu giữa các lần tăng giá, cho nên khi cộng dồn lại, chỉ trong vòng vài tháng, giá sữa đã tăng đột biến, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Khi tăng giá sữa, phần lớn các DN sản xuất và phân phối đều viện đủ các lý do như giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, chi phí vận chuyển tăng, lương công nhân tăng…
Trước tình hình nói trên, ngày 23-2, Sở Tài chính Hà Nội đã kiểm tra các đơn vị nhập khẩu và phân phối các loại sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi trên địa bàn, gồm: Công ty TNHH xuất, nhập khẩu thương mại và dịch vụ Quang Trung; Công ty TNHH dược phẩm Hoàng Dương và Công ty TNHH Dược phẩm Phúc Nhân Đường. Qua kiểm tra, Sở Tài chính đề nghị các công ty này thực hiện đăng ký lại giá theo đúng quy định hiện hành và ghi rõ mức giá bán buôn và bán lẻ, có văn bản giải trình các yếu tố cấu thành giá từng mặt hàng. Qua kiểm tra đã xử phạt Công ty Phúc Nhân Đường 30,5 triệu đồng vì thay đổi giá bán mà chưa đăng ký giá với Sở Tài chính, không có bảng niêm yết giá theo quy định. Tuy Sở Tài chính đã phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra giá sữa nhưng lực lượng mỏng, thị trường rộng không thể kiểm soát hết những sai phạm của DN trong việc tăng giá sữa. Bên cạnh đó, mức phạt vẫn còn quá nhẹ so với lợi nhuận mà việc tăng giá mang lại cho nên chưa đủ sức răn đe các DN.
Từ chiều 21-2, giá các mặt hàng sữa bột nhãn hiệu Dumex ở các đại lý trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều tăng thêm khoảng 10%. Trước đó, từ ngày 13-2, một số mặt hàng sữa nước và sữa đặc có đường của Công ty Friesland Campina Việt Nam (nhãn hiệu Dutch Lady, Yomost, Fristi) cũng tăng giá thêm 5%. Cùng ngày, giá một số sản phẩm sữa Anlene như Anlene bột, Anlene đậm đặc, Anmum Materna cũng tăng từ 5% đến 10%. Trước đó, từ ngày 23-1, Vinamilk đã tăng giá trung bình từ 5% đến 7% một số loại sữa. Lý giải việc tăng giá, các hãng sữa cho rằng do giá nguyên liệu sữa hiện đã tăng hơn 20% trong khi các nguyên vật liệu đầu vào khác tăng từ 40% đến 60%. Ngoài ra, các chi phí khác như điện, nước, nhiên liệu… cũng tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với mặt bằng giá hiện nay, giá sữa ở nước ta đã cao hơn từ 20% đến 30% so với các nước chung quanh. Trong vài tháng gần đây, mặc dù giá tăng nhưng sức mua tại các siêu thị vẫn không giảm vì đây là mặt hàng thiết yếu đối với nhiều gia đình. Vì vậy, việc tăng giá sữa là hành vi o ép người tiêu dùng trong thời điểm nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (ngụ đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3, TP Hồ Chí Minh) phàn nàn: Con tôi mới được 13 tháng tuổi, hai tuần là uống hết một hộp sữa hiệu Abbott. Trước Tết, giá sữa thấy cũng đã cao rồi nhưng mấy hôm nay tôi phải tốn thêm đến 40 nghìn đồng khi mua một hộp sữa, không hiểu sao giá cứ tăng hoài. Không chỉ người mua mà ngay cả người kinh doanh cũng bức xúc với giá sữa. Theo chủ một cửa hàng buôn bán sữa trên đường Nguyễn Thông (quận 3), việc tăng giá của một số hãng sữa trong tháng 2 này có nhiều điều bất hợp lý, nhất là ở những sản phẩm sữa chuyên dùng. Có nhãn sữa đã ba lần tăng giá trong vòng một năm, mỗi lần tăng từ 7% đến 9%, có nhãn sữa mỗi lần tăng đến 20%. Để “qua mặt” người tiêu dùng, các hãng sữa thường không công khai việc tăng giá mà âm thầm gửi thông báo áp dụng giá mới cho các đại lý. Hơn nữa, việc niêm yết giá (cũ và mới) cũng ít được các đại lý thực hiện nghiêm túc cho nên người mua cũng không nhận ra được sự thay đổi giá.
Theo Trưởng Ban vật giá (Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Quốc Chiến, chỉ có các mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới sáu tuổi mới phải đăng ký giá, còn các loại sữa khác thì việc quản lý giá được thực hiện theo Nghị định 75/2008/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 170/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá. Vì vậy, việc tăng giá sữa nếu có vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 84/2011/NĐ-CP ngày 20-9-2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá. Ông Chiến cho biết thêm, hiện Sở Tài chính đang tiếp nhận văn bản đăng ký giá sữa của 18 đơn vị sản xuất, phân phối và đại lý sữa. Trong đó, sở đã phê duyệt đề nghị của hai đơn vị là Nutifood và Vinamilk; hai siêu thị xin điều chỉnh giá là Co.op Mart và Metro… Với các đơn vị xin điều chỉnh giá, Sở Tài chính đang xem xét và chờ giải trình cụ thể.
Không chấp nhận tăng giá khi yếu tố hình thành giá không đổi
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ tháng 11-2011 đến nay có một số doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần lớn trong sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa bột dành cho trẻ em dưới sáu tuổi đăng ký tăng giá bán sữa. Trong đó, Công ty TNHH dược phẩm 3A tăng giá 31/33 mặt hàng đăng ký với tỷ lệ 9%, mức giá bán mới được áp dụng từ ngày 5-12-2011. Công ty Nestle Việt Nam tăng 7/27 mặt hàng đăng ký, mức tăng từ 2 đến 10%, áp dụng từ ngày 20-12-2011. Công ty Mead Johnson tăng 3/35 mặt hàng đăng ký với tỷ lệ gần 19% tùy từng mặt hàng sữa; giá bán mới áp dụng từ ngày 1-12-2011. Riêng Công ty CP sữa Việt Nam tăng giá chín sản phẩm từ ngày 1-1-2012 và năm sản phẩm từ ngày 1-2-2012 với tỷ lệ tăng 15%; Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood điều chỉnh 4 trong số 7 sản phẩm với tỷ lệ 9 đến 10% áp dụng từ ngày 16-2-2012.
Trước việc tăng giá của một số công ty kinh doanh sữa thời gian gần đây, ngày 20-2, Bộ Tài chính đã có công văn gửi sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị thực hiện bình ổn giá (BOG) sữa của các DN trên địa bàn. Đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới sáu tuổi, yêu cầu các sở tài chính chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh giá theo quy định hiện hành và yêu cầu các DN sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi. Đối với mặt hàng sữa nước, tuy mặt hàng này không thuộc danh mục hàng hóa thực hiện việc đăng ký giá, nhưng theo quy định tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ, sữa là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa BOG của Chính phủ, do vậy, Bộ Tài chính đề nghị các sở tài chính tăng cường kiểm tra, kiểm soát và yêu cầu DN tại địa phương không tăng giá mặt hàng sữa khi các yếu tố đầu vào không thay đổi. Riêng những sản phẩm sữa nước đã tăng giá trong thời gian vừa qua (từ ngày 1-1-2012) Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra và yêu cầu DN có văn bản báo cáo việc tăng giá kèm theo giải trình chi tiết về tỷ lệ tăng giá, nguyên nhân tăng giá. Sau khi có báo cáo giải trình sở tài chính tổng hợp, kiểm tra, đánh giá mức hợp lý giữa tỷ lệ tăng (giảm) chi phí đầu vào so với tỷ lệ tăng giá bán. Trường hợp phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20-9-2011. Việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý và báo cáo phải gửi về Cục Quản lý giá trước ngày 31-3-2012.
Theo Nhandan
Ý kiến ()