Tăng cường quản lý giá những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa có Chỉ thị số 04/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn theo quy định. Trong đó, chú trọng việc theo dõi sát sao diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung-cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn để chủ động tham mưu trình UBND tỉnh có phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường. Đồng thời, căn cứ thẩm quyền và điều kiện thực tế, khả năng tài chính của...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa có Chỉ thị số 04/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn theo quy định. Trong đó, chú trọng việc theo dõi sát sao diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung-cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn để chủ động tham mưu trình UBND tỉnh có phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường. Đồng thời, căn cứ thẩm quyền và điều kiện thực tế, khả năng tài chính của địa phương để tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá tại địa phương, có biện pháp nhằm tăng cường đưa hàng bình ổn giá đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư; kết hợp với tổ chức bán hàng lưu động, các hình thức khuyến mãi để kích thích tiêu dùng, tăng sức mua…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu phối hợp với các đơn vị liên quan (Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 127, Hải quan, Thanh tra, Công an, Thuế…) tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, phí trông giữ xe đạp, ô tô, xe máy và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ động, thực vật, thức ăn chăn nuôi…Mặt khác, thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu bia, đường; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; kiên quyết xử lý những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chủ động triển khai các đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình thực hiện công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá tại địa phương; giám sát chặt chẽ đăng ký giá, kê khai giá của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý giá, xét thấy cần tiến hành thanh tra, kiểm tra ngay, Cục Quản lý giá báo cáo Bộ và phối hợp với Thanh tra Tài chính để tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()