Tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường
LSO-Trong thời điểm này, có nhiều yếu tố thuận lợi trong công tác bình ổn giá cả thị trường như giá xăng dầu giảm sâu và dự báo còn tiếp tục giảm; các mặt hàng đồ gia dụng, nhu yếu phẩm đa dạng, phong phú, không khan hàng. Tuy nhiên vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, vẫn tiềm ẩn những yếu tố phá vỡ sự bình ổn, đây là thời điểm mà các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý giá, đảm bảo ổn định thị trường.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Thành Đô, thành phố Lạng Sơn – Ảnh: VŨ LÊ MINH |
Đầu tháng 12 vừa qua, giá xăng dầu trong nước đồng loạt giảm. Đây là lần điều chỉnh giá xăng dầu thứ 11 trong năm nay, tổng cộng giá xăng dầu trong nước đã giảm 5.710 đồng/lít. Giá xăng dầu giảm sâu là một trong những yếu tố thuận lợi để giảm giá cước vận chuyển, qua đó giảm giá thành các mặt hàng khác. Ông Lục Phú Dì, Phó Trưởng phòng Quản lý giá, Sở Tài chính cho biết: đến thời điểm này, đã có khoảng 15 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh trình hồ sơ phương án giảm giá vận chuyển. Mức giảm trung bình từ 5-8%. So với mức giảm của xăng dầu thì mức giảm của vận tải là chưa nhiều. Nhưng điều này cũng cần xét đến yếu tố là khi giá xăng dầu tăng, thì phần lớn các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn vẫn giữ nguyên giá cước để cạnh tranh. Hiện nay, giá dầu thô trên thế giới tiếp tục giảm, như vậy giá xăng dầu trong nước dự báo sẽ có xu hướng hạ. Như vậy, cước vận tải trên địa bàn dự kiến tiếp tục có sự điều chỉnh hợp lý.
Đối với các mặt hàng khác, từ đầu năm đến nay, giá cả thị trường khá ổn định. So với tháng trước, thời điểm này, giá cả của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, may mặc… trên địa bàn tỉnh dao động trong diện hẹp. Thậm chí một số mặt hàng có xu hướng giảm giá. Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng đầu năm chỉ tăng ở mức 1,21%; trong khi đó chỉ số giá tháng 11 giảm 0,14% so với tháng 10. Bà Đặng Thị Sinh, Phó Trưởng phòng Quản lý giá, Sở Tài chính (phụ trách công tác bình ổn giá) phân tích: ngoài sự tác động của giá xăng dầu, thì lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm trong năm nay giữ được sự bình ổn bởi nguồn cung dồi dào, lượng cung ứng lớn… Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã thực hiện tốt chức năng kiểm soát giá cả, quản lý thị trường. Điển hình như trong thời gian qua, khi các cơ quan quản lý tăng cường kiểm soát giá sữa, thì các mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em đã giảm bình quân 8-10% tùy loại. Thậm chí có sản phẩm sữa giảm từ 15-20% giá bán.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa những tháng cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, hiện nay, Sở Công thương và Sở Tài chính đã hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký, cam kết thực hiện chương trình bình ổn giá theo quy định. Theo thông tin từ Sở Công thương, hiện nay đã có 5 doanh nghiệp cung ứng, phân phối lớn trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá, kinh phí dự kiến khoảng 25 tỷ đồng. Ông Đinh Trọng Cửu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần giống cây trồng Lạng Sơn – một trong những đơn vị đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá cho biết: trong thời gian qua, Công ty đã chủ động rà soát lại các chủng loại giống, loại bớt một số chủng loại hiệu quả không cao, tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng. Đối với thị trường giống, dự báo từ nay đến cuối năm không có nhiều biến động, tuy nhiên, theo ông Đinh Trọng Cửu, bước sang đầu năm 2015, có thể một số công ty phân phối sẽ điều chỉnh tăng đối với mặt hàng giống ngô lai. Chính vì vậy, thực hiện bình ổn giá là nhiệm vụ trọng tâm của công ty. Đối với mặt hàng phân bón, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp cũng đã đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng với mức giá bình ổn trong suốt thời gian qua. Thậm chí mức giá bán bình quân của Công ty còn thấp hơn so với toàn quốc. Để tiếp tục đảm bảo ổn định giá cả, đơn vị này cũng đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá.
Người dân chọn mua thực phẩm tại chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn – Ảnh: BT |
Cuối năm, cận kề Tết Nguyên đán và cũng khởi đầu của vụ sản xuất mới, công tác quản lý giá, bình ổn thị trường có vai trò quan trọng. Một mặt đảm bảo ổn định giá cả hàng hóa, chống tăng giá đột biến phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, mặt khác đảm bảo giá cả vật tư đầu vào phục vụ sản xuất ở mức hợp lý, phục vụ mục tiêu phát triển chung.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()