Tăng cường quản lý chất thải y tế
LSO-Y tế là ngành có nhiều hoạt động đa dạng, trên nhiều lĩnh vực. Các hoạt động y tế có liên quan chặt chẽ đến bảo vệ môi trường. Các chất thải y tế bao gồm cả chất thải lỏng, chất thải rắn và chất thải khí từ các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường do chứa nhiều loại vi sinh vật gây bệnh và các hóa chất độc hại được sử dụng trong quá trình tẩy rửa, khử trùng. Bởi vậy việc quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường y tế, nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế và cộng đồng, hạn chế gây ô nhiễm môi trường là hoạt động luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện.
Diễu hành tuyên truyền bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 bệnh viện tuyến huyện, 120 cơ sở khám chữa bệnh và gần 200 cơ sở hành nghề tư nhân… Hằng ngày, tại các cơ sở y tế trong tỉnh, lượng rác thải khá lớn. Ước tính trung bình mỗi ngày tại các bệnh viện tỉnh, huyện, lượng chất thải rắn gần 2.000 kg có lượng chất thải lỏng trên 1.000 m3. Đối với các trạm y tế xã, phường, thị trấn, chất thải rắn gần 1.000 kg/ngày, chất thải lỏng gần 500 m3/ngày… Với số lượng chất thải như vậy, để đảm bảo vệ sinh môi trường, những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, nhiều đơn vị y tế, đặc biệt là hệ thống bệnh viện đã được đầu tư trang thiết bị xử lý rác thải y tế hiện đại. Thực hiện Quy chế quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế, các đơn vị y tế trong tỉnh đã tổ chức thu gom, phân loại rác thải y tế ngay tại chỗ phát sinh. Theo thống kê, trong dự án mở rộng, nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh, ngành y tế đã nỗ lực đầu tư, xây dựng các công trình xử lý chất thải y tế. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh như bệnh viện đa khoa, bệnh viện lao & bệnh phổi… đã có công trình xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn và quy trình kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với các bệnh viện tuyến huyện, đã có trên 90% hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình xử lý chất thải rắn và 30% có công trình xử lý chất thải lỏng. Những đơn vị còn lại chủ yếu là tự xử lý chất thải rắn theo phương pháp thủ công và chỉ xử lý sơ bộ chất thải lỏng trước khi thải ra môi trường.
Với mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với việc bảo vệ môi trường bệnh viện trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra thực trạng tại bệnh viện công lập của tỉnh. Trên cơ sở đó, Chi cục đã đề xuất và kiến nghị các giải pháp góp phần bảo vệ môi trường chung. Từ năm 2012 đến nay, qua kiểm tra và theo dõi quan trắc môi trường tại 4 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cho thấy, mặc dù đã được đầu tư trang thiết bị nhưng công tác thu gom, xử lý rác thải y tế vẫn còn một số điểm tồn tại cần được giải quyết như: Vị trí lưu giữ tạm thời chất thải rắn y tế nguy hại của hầu hết các bệnh viện đều chưa đảm bảo quy định, chưa có biển báo, dấu hiệu cảnh báo; hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện chưa phát huy được hiệu quả đầu tư cũng như hiệu quả xử lý… Bên cạnh đó, theo báo cáo kết quả phân tích chất thải tại các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh, huyện cho thấy, hầu hết đều có thông số chưa đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải y tế… Nguyên nhân là do các bệnh viện thiếu biên chế chuyên môn phụ trách về công tác bảo vệ môi trường, hầu hết là người làm kiêm nhiệm nên kết quả công việc hạn chế; các công trình, hệ thống xử lý môi trường đã được đầu tư nhưng kinh phí vận hành, kinh phí phục vụ công tác kiểm soát môi trường, hoàn thiện các thủ tục hành chính về môi trường theo quy định còn khó khăn.
Trước những khó khăn, hạn chế trên, để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý môi trường tại các cơ sở y tế trong tỉnh, UBND tỉnh đã có Công văn số 696/UBND-VX, ngày 17/7/2014, trong đó yêu cầu: Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất thải y tế từ khâu phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải. Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chủ trì, phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải y tế, đặc biệt là các chất thải y tế nguy hại; xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm. Giám sát chặt chẽ đối với việc vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()