Tăng cường quản lý chất lượng môi trường nước mặt
LSO-Theo báo cáo quan trắc môi trường đợt 1/2016 của Chi Cục Bảo vệ môi trường, chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, một số sông, suối có dấu hiệu bị ô nhiễm. Vì vậy, đòi hỏi cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân trong bảo vệ môi trường nước.
Nhân viên Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn điều hành trạm xử lý nguồn nước |
Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ khiến cho nhu cầu sử dụng nước tăng lên, trong khi nguồn tài nguyên nước không thay đổi, dẫn đến suy giảm cả về chất và lượng đối với tài nguyên nước. Đặc biệt, hiện nay hầu hết nước thải đô thị và công nghiệp chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường (theo thống kê sơ bộ, chỉ có khoảng 4,26% nước thải công nghiệp được xử lý đảm bảo môi trường). Ngoài ra, nước rò rỉ từ các bãi rác cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm nước mặt nghiêm trọng.
Theo quan trắc môi trường đợt 1/2016, tại thành phố Lạng Sơn, cơ quan chuyên môn lấy mẫu 6 điểm quan trắc, trong đó ở một vài điểm có hàm lượng một số chất vượt quá giới hạn cho phép. Điển hình như: tại hồ Phai Món, nước hồ bị phú dưỡng, hàm lượng DO (DO là lượng oxy hoà tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật nước) thấp (3,50 mg/l). Khi nồng độ DO thấp, các loài sinh vật nước giảm hoạt động hoặc bị chết…Trong khi đó, quan chắc tại huyện Văn Lãng cho thấy, suối Tân Mỹ tại thôn Nà Mò (Tân Mỹ) chảy qua nhà máy thuộc da Nguyên Hồng có hàm lượng NO2- có giá trị lớn hơn giới hạn cho phép 16,8 lần…
Theo bà Lê Thị Hương Mai, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh: Qua quan trắc năm 2016 cho thấy, các chỉ tiêu quá giới hạn cho phép chủ yếu là các chất hữu cơ (do nước thải sinh hoạt của người dân xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý; cùng với đó là các điểm chăn nuôi, điểm giết mổ xả thải trực tiếp không có hệ thống thu gom, xử lý), không có chỉ tiêu kim loại nặng quá giới hạn.
Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải xây dựng các điểm thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nhất là tại các khu vực thành phố, thị trấn; thu gom xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại vùng nông thôn;… Tại thành phố Lạng Sơn, hiện đang triển khai dự án “Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn-giai đoạn 1”, với quy mô gồm các hệ thống cống chính, cống bao, cống áp lực, trạm bơm trung chuyển, và nhà máy xử lý nước thải công suất 5.260 m3/ngày đêm. Qua đó, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm chất lượng môi trường nước mặt.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để quản lý hiệu quả tài nguyên nước (TNN), trong đó nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm chất lượng môi trường nước, thời gian tới sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh quản lý tốt các hoạt động khai thác sử dụng TNN. Đặc biệt là quản lý chặt chẽ hoạt động xả nước thải vào nguồn nước. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về TNN; thanh tra, kiểm tra sau cấp phép nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động liên quan có nguy cơ ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Đồng thời, thúc đẩy quá trình tham gia và hỗ trợ của cộng đồng dân cư tại những khu vực có nguy cơ nguồn nước bị ô nhiễm trong việc giám sát, phát hiện kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước và kiên quyết xử lý triệt để.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()